Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác bồi thường nhà nước

(PLVN) - Ngày 14/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) với sự chủ trì của Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ, ngành, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự 30 địa phương khu vực miền Bắc và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Toàn cảnh Hội nghị.

Trình bày dự thảo báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (BTNN) Lê Thái Phương cho biết: Công tác xây dựng chương trình, kế hoạch; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN luôn nhận được Bộ Tư pháp đặc biệt chú trọng. Bên cạnh đó, việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNBTCNN, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác BTNN cũng được Bộ Tư pháp cùng các Bộ, địa phương chủ động triển khai hiệu quả.

Đồng chí cho biết thêm, từ năm 2018 đến ngày 30/6/2023, Bộ Tư pháp đã ban hành gần 400 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường; đồng thời lồng ghép hướng dẫn nghiệp vụ thông qua các hoạt động chuyên môn khác tổ chức đoàn công tác hỗ trợ trực tiếp người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại địa phương.

Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Lê Thái Phương trình bày dự thảo báo cáo.

Trong ngành Tòa án và Kiểm sát đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác BTNN trong ngành. Tại địa phương, một số Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác hướng dẫn các cơ quan giải quyết bồi thường cũng như phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác BTNN tại địa phương mình, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường trong phạm vi địa phương mình theo quy định của Luật TNBTCNN.

Về công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác BTNN, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan tổ chức 57 đoàn kiểm tra công tác BTNN tại các tỉnh, thành phố và chủ động tổ chức trên 40 đoàn công tác theo dõi tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường tại địa phương trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Các mặt công tác khác như: phối hợp thực hiện công tác BTNN; thống kê, báo cáo; kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế; nguồn lực kinh phí... đều đạt kết quả đáng ghi nhận.

Về tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả, từ khi Luật có hiệu lực ngày 01/7/2018 đến ngày 30/6/2023, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên toàn quốc đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, số vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 103 vụ việc, đạt tỷ lệ 61,3 %, với tổng số tiền nhà nước phải bồi thường trong các văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật là 76 tỷ 985 triệu 530 nghìn đồng, 22 vụ việc đã đình chỉ, còn lại 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thi hành Luật TNBTCNN gặp một số khó khăn, vướng mắc như công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TNBTCNN còn có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác BTNN, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường mới chỉ được thực hiện hiệu quả tại cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương; công tác kiểm tra công tác BTNN còn chưa được thường xuyên;…

Cục trưởng Cục bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… đã thông tin về kết quả thực hiện 5 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 và đề xuất kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành, hoàn thiện thể chế.

Trên cơ sở nhận thức đầy đủ thuận lợi và khó khăn, thách thức, trong thời gian tới, việc tổ chức thực hiện Luật TNBTCNN nói riêng và nâng cao hiệu quả công tác BTNN nói chung, Bộ Tư pháp xác định một số nội dung cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TNBTCNN cho đối tượng là cá nhân, tổ chức. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra liên ngành, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện công tác BTNN; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với VKSNDTC, TANDTC, các Bộ, ngành, địa phương trong việc trong việc thực hiện công tác BTNN; hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường; thống nhất các biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về TNBTCNN; thực hiện chỉ đạo của Quốc hội về việc tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thực hiện công tác BTNN, đặc biệt là hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực BTNN từ Trung ương đến địa phương, nâng cao hiệu quả công tác BTNN, bảo đảm tốt hơn quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại.

TANDTC, VKSNDTC và các Bộ, ngành cũng cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của ngành mình tại địa phương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện công tác BTNN tại địa phương.

Nhân dịp này, Hội nghị đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thi hành Luật TNBTCNN.

Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn trao Bằng khen Bộ trưởng cho các tập thể.

Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn trao Bằng khen Bộ trưởng cho các cá nhân.

Đọc thêm