Để tạo cơ sở pháp lý và gắn kết trách nhiệm trong công tác phối hợp, ngày 6/2/2013, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THADS và trả tiền, giấy tờ cho người được THADS là phạm nhân.
Ngày 15/11/2013, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan THADS và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản.
Ngày 26/11/2015, Tổng cục THADS và Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đã ban hành Quy chế số 911/QCLN/TCTHADS-TCTHAHS về phối hợp giữa 2 Tổng cục trong công tác THADS.
Những văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án được thi hành nghiêm minh trong thực tế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đã được Tòa án tuyên. Đồng thời tạo điều kiện cho người được thi hành án, người phải thi hành án là phạm nhân thực hiện nghĩa vụ dân sự, giảm số lượng án tồn đọng trong việc THADS.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với cơ quan Công an và một số trại giam còn những hạn chế nhất định. Còn tình trạng trại giam đã gửi thông báo chuyển tiền thi hành án cho cơ quan THADS nhưng cơ quan THADS không có văn bản trả lời hoặc từ chối nhận tiền với lý do người được thi hành án không có đơn yêu cầu, không rõ địa chỉ hoặc hết thời hiệu thi hành án.
Điều này gây khó khăn cho đương sự trong việc hoàn thành nghĩa vụ dân sự trong bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án làm căn cứ để được xét miễn, giảm hình phạt tù.
Một số trường hợp phối hợp cưỡng chế, thông báo việc chuyển trại, thu được tiền, tài sản của phạm nhân giữa cơ quan Công an và cơ quan THADS chưa kịp thời, dẫn đến việc xử lý tài sản còn chậm, tồn đọng với số tiền lớn.
Ngoài ra, công tác THADS đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù có khoản phải thi hành án lớn vẫn chưa đạt kết quả cao. Hiện nay, chủ yếu các khoản phải thi hành án lớn tập trung vào các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước.
Trong các vụ việc này, tuy đương sự đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam nhưng có một số tài sản của họ ở bên ngoài rất nhiều, một số Chấp hành viên lại chưa thực sự tích cực xử lý được tài sản hoặc xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến tài sản đó để đảm bảo hiệu quả thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, các trại giam cần kịp thời thông báo cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm thông tin của phạm nhân khi tiếp nhận phạm nhân vào trại giam. Đồng thời tiếp nhận quyết định về THADS trong bản án hình sự; tiếp nhận tiền, giấy tờ do cơ quan THADS chuyển đến; lập, sử dụng và quản lý các loại sổ về THADS đúng theo mẫu quy định…
Về phía các cơ quan THADS, cần kịp thời gửi các quyết định THADS, quyết định miễn, giảm nghĩa vụ THADS cho phạm nhân là người phải THADS thông qua trại giam. Đồng thời gửi văn bản thông báo cho trại giam nơi phạm nhân là người phải THADS đang chấp hành án về địa chỉ, số tài khoản tạm gửi của cơ quan THADS; số tiền, giấy tờ mà phạm nhân là người phải THADS còn phải nộp; số tiền, giấy tờ mà phạm nhân là người được THADS được nhận để trại giam biết phối hợp giải quyết.
Nhờ đó, tránh tình trạng cơ quan THADS đã thu tiền, việc thi hành án đã xong, đương sự chưa yêu cầu, án hết thời hiệu… trại giam vẫn thu tiền gây khó khăn cho việc giải quyết sau này.
Tổng cục THADS tiếp tục có văn bản chỉ đạo cơ quan THADS địa phương hàng quý phải phối hợp với trại giam để rà soát xem xét giải quyết các khoản tiền trại giam thu của các phạm nhân hoặc thân nhân họ tự nguyện nộp tiền thi hành án để kịp thời giải quyết, tránh tình trạng để tiền tồn đọng tại các trại giam.
Đồng thời, phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tài chính thống nhất biện pháp xử lý số tiền tồn đọng mà không xác định được đương sự nộp tiền, hoặc không xác định được bản án, nghĩa vụ phải thi hành án của đương sự. Còn đối với các khoản tiền đã xác định rõ đương sự, bản án, nghĩa vụ phải thi hành thì cần chuyển về các cơ quan THADS nơi xét xử sơ thẩm để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.