Làm việc với Bộ Tư pháp Anh
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Anh (9/2010) và Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên (9/2020). Thứ trưởng cũng chia sẻ thông tin về việc Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là từ Anh - cái nôi của hệ thống thông luật với bề dày kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật.
|
Thứ trưởng đề nghị Bộ Tư pháp Anh tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam sớm ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ theo tinh thần đã thống nhất tại Ý định thư ký ngày 30/6/2022 nhằm tạo cơ sở pháp lý mới để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp hai nước theo hướng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, tương xứng với sự phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh hiện nay. Trong đó, Bộ Tư pháp Việt Nam mong muốn có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của Bộ Tư pháp Anh đối với một số lĩnh vực mà Anh có thế mạnh như: (i) Xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế, phòng, chống tham nhũng, trợ giúp pháp lý, các hình thức giải quyết tranh chấp thay thế ngoài tòa án, thi hành án dân sự; (ii) Chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; (iii) Đào tạo cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp, đặc biệt là đội ngũ luật sư và trọng tài viên…
|
Ông David Meyer, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Luật pháp và Lãnh thổ Hải ngoại, Bộ Tư pháp Anh đánh giá cao chuyến thăm của Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và khẳng định sẵn sàng tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam thúc đẩy hơn nữa hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai Bên. Đặc biệt, phía Bộ Tư pháp Anh đánh giá cao những ý tưởng về lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới mà Thứ trưởng gợi ý và mong muốn sớm nhận được dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bên để cùng trao đổi, thống nhất và đi đến ký kết văn kiện này trơng thời gian tới.
Làm việc với Trung tâm chuyên môn thuộc Bộ Ngoại giao Anh (Democratic Governace Centre of Expertise – CoE):
Tiếp và làm việc với Đoàn là ông Graeme Ramshaw – Giám đốc Chất lượng và Đổi mới của Quỹ Westminster vì Mục tiêu dân chủ (WFD), Giám đốc Trung tâm CoE. Trong buổi làm việc, Đoàn đã được nghe phía CoE giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này. Đây là cơ quan mới được Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (tức Bộ Ngoại giao Anh FCDO) thành lập, bao gồm một nhóm các trung tâm trực thuộc chịu trách nhiệm cung cấp các hoạt động tư vấn và đào tạo trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau như: Bầu cử; Nghị viện và cơ quan lập pháp; Trao quyền chính trị cho phụ nữ; Tự do truyền thông/Phát triển truyền thông; Xã hội dân sự và không gian dân sự; Quyền con người; Pháp quyền/Cải cách tư pháp; Nền dân chủ kỹ thuật số; và các vấn đề quản trị dân chủ khác. CoE hoạt động trên cơ sở kết hợp giữa các nguồn lực nội bộ hiện có của FCDO với các nguồn lực mới huy động và thuê ngoài. Đối tác chính của CoE là Quỹ WFD. Phía CoE cũng giới thiệu sơ bộ với Đoàn về việc đào tạo đội ngũ luật sư ở Anh.
|
|
|
|
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh bày tỏ mong muốn CoE với nguồn lực và mạng lưới chuyên gia rộng khắp trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có pháp quyền và cải cách tư pháp, sẽ cân nhắc khả năng triển khai các hoạt động hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam thông qua các hình thức mà CoE hiện đang tiến hành như: hỗ trợ về tài liệu, kiến thức chuyên môn, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong các chủ đề mà hai Bên cùng quan tâm, trong đó có lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật, qua đó hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các đơn vị đầu mối của Bộ Tư pháp Việt Nam và CoE sẽ tiếp tục có những trao đổi, thảo luận để xác định được các nội dung, hình thức hợp tác cụ thể phù hợp với nhu cầu và khả năng của hai Bên.
Cũng trong buổi làm việc này, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã đề nghị CoE kết nối, hỗ trợ thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo luật, đào tạo nghề tư pháp giữa Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp với các cơ sở đào tạo luật của Anh, trong đó có Trường Đại học Luật.
Phía CoE ghi nhận những ý kiến của Thứ trưởng và cho biết sẽ nghiên cứu khả năng thúc đẩy các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp với Việt Nam.
Làm việc với Khoa Luật, Trường Đại học Oxford
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo về luật. Đối với Việt Nam, công tác này đã và đang được quan tâm thúc đẩy nhằm phát triển nguồn nhân lực pháp luật, đặc biệt là nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao để phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới với việc đẩy mạnh thực hiện 03 Đề án quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật”, Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” và Đề án đào tạo luật sư hội nhập quốc tế.
|
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các Trường Đại học của Anh, trong đó có Khoa luật Đại học Oxford sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các Đề án này, tạo cơ hội cho các sinh viên, giảng viên và cán bộ pháp luật Việt Nam có cơ hội sang học tập, nghiên cứu tại một đất nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Vương quốc Anh.
Đặc biệt, Thứ trưởng mong muốn Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật Đại học Oxford sẽ thảo luận, tiến tới ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo cán bộ và sinh viên luật giữa hai trường, tập trung vào một số lĩnh vực như: (i) Phát triển các chương trình liên kết đào tạo ở trình độ cử nhân (LLB) và thạc sĩ (LLM); (ii) Hợp tác thực hiện chương trình đào tạo tiến sĩ theo Đề án 89 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam; (iii) Hợp tác tìm kiếm tài trợ thực hiện các nghiên cứu mang tính liên ngành (trong đó có các vấn đề về pháp luật) thuộc các lĩnh vực mà Vương quốc Anh và một số quốc gia khác đang quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác như: hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP); các vấn đề về tài sản trí tuệ trong đổi mới sáng tạo và thương mại hóa tài sản trí tuệ… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn các giáo sư của Khoa Luật Đại học Oxford tham gia giảng dạy trong các khóa đào tạo luật sư hội nhập quốc tế của Học viện Tư pháp, tham gia thuyết trình tại các hội thảo/tọa đàm do Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức.
|
Cũng trong buổi làm việc, ông Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị Khoa Luật Trường Đại học Oxford tiếp nhận các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội sang tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm mục đích nghiên cứu các chuyên đề chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của các giáo sư nước ngoài, nâng cao năng lực ngoại ngữ.
|
Giáo sư Robert Burrel, Phó Trưởng khoa Luật Đại học Oxford bày tỏ vui mừng được tiếp đón Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp. Các giáo sư của Trường giới thiệu với Đoàn về Khoa Luật của Đại học Oxford, Trung tâm Pháp luật Châu Á, Trung tâm luật so sánh và luật Châu Âu thuộc Đại học Oxford. Các Giáo sư của Khoa Luật Đại học Oxford rất quan tâm tới việc hợp tác với Trường Đại học Luật Hà Nội và chia sẻ một số ý tưởng hợp tác như: sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội có thể đăng ký tham gia các khóa học mùa hè kéo dài 2 tháng do Trung tâm luật so sánh và luật Châu Âu tổ chức theo hình thức trực tuyến (kinh phí tự túc); Trung tâm Pháp luật Châu Á có thể hỗ trợ các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội đăng ký tham gia các chương trình nghiên cứu chuyên môn ngắn hạn tại Đại học Oxford (bằng nguồn kinh phí của Trường Đại học Luật Hà Nội) thông qua việc gửi thư mời, tổ chức các hội thảo để đóng góp cho nghiên cứu chuyên môn của họ; Trường Đại học Luật Hà Nội có thể cử giảng viên tham gia các hội thảo/tọa đàm do Trung tâm Pháp luật Châu Á tổ chức hoặc mời các giáo sư luật của Trường Đại học Oxford tham gia giảng dạy hoặc thuyết trình tại các hội thảo của Trường… Hai Bên cũng nhất trí sẽ trao đổi cụ thể về việc ký văn kiện hợp tác giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật, Đại học Oxford để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai Trường trong thời gian tới.
Cũng trong chuyến công tác, Đoàn đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh. Ngày 26/6, Đoàn đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Anh và lên đường về nước.
Vụ Hợp tác quốc tế đưa tin từ London, Vương quốc Anh