Tiếp tục tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật bổ ích, hiệu quả hơn

(PLVN) - Thực hiện Kết luận số 12 ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và là một trong các hoạt động hưởng ứng 10 năm ngày Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp, Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” đã thu hút sự quan tâm của người dân, đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Đây cũng chính là nội dung chính của buổi tọa đàm do Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật và Báo Pháp luật Việt Nam vừa phối hợp tổ chức.

Thu hút hơn 260 nghìn lượt dự thi

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên nhấn mạnh: Phát huy kết quả tích cực của các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến mà Bộ Tư pháp đã tổ chức trước đó; để thực hiện hiệu quả Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 2338/KH-BTP về việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” (gọi tắt là Cuộc thi). Để triển khai Cuộc thi, ngày 14/10/2022, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Thể lệ số 3992/TL-BTC.

Theo đó, Cuộc thi được tổ chức trong vòng 30 ngày, bắt đầu từ 0h00 ngày 25/10/2022 và đã kết thúc vào 24h00 ngày 25/11/2022; theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://moj.gov.vn/cuocthitructuyen và được đặt banner trên Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Bộ Tư pháp và Cổng/Trang TTĐT của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Chia sẻ về những kết quả nổi bật của Cuộc thi, ông Phan Hồng Nguyên cho biết, qua tổng hợp trên phần mềm Cuộc thi, tính đến 24h00 ngày 25/11/2022 (theo múi giờ Việt Nam, GMT+7), website của Cuộc thi đã thu hút được 623.393 lượt truy cập. Điều đó thể hiện Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của người dân khi truy cập tìm hiểu về Cuộc thi nói chung và về các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, qua đó tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức, thái độ của người dân về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài..

Cuộc thi đã thu hút 260.533 lượt dự thi trong tổng số 148.774 người tham gia thi. Trong đó, các tỉnh/thành phố đứng đầu về số lượt dự thi là: Bắc Giang (27.647 người thi/59.451 lượt); Hà Nội (18.134 người thi/27.815 lượt); Bắc Ninh (10.754 người/19.821 lượt); Nam Định (9.953 người thi/16.207 lượt); TP Hồ Chí Minh (9.392 người thi/14.212 lượt). Cuộc thi cũng đã thu hút người dự thi từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Liên bang Nga và Nhật Bản là hai quốc gia có số lượng người tham gia dự thi nhiều nhất.

Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên.

Phó Vụ trưởng Phan Hồng Nguyên.

Kết thúc Cuộc thi, Tổ thư ký giúp việc đã và đang phối hợp với Sở Tư pháp một số địa phương và đơn vị liên quan tiến hành rà soát, liên hệ với người đạt giải để xác thực thông tin bảo đảm chính xác; lập danh sách người dự thi có kết quả cao nhất trình Ban Tổ chức Cuộc thi xem xét, phê duyệt, công nhận kết quả và trao giải thưởng Cuộc thi cho các thí sinh đạt giải.

Là địa phương nằm trong nhóm top đầu về số lượt tham gia Cuộc thi, Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Bắc Ninh) Nguyễn Văn Đại thông tin, trong 30 ngày (từ 25/10/2022 đến hết ngày 24/11/2022) của Cuộc thi, tỉnh Bắc Ninh đã đóng góp trên 10 nghìn người đăng ký và gần 20 nghìn lượt dự thi. Điều đó cho thấy, Cuộc thi đã thực sự mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa lớn và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân thuộc mọi lứa tuổi, thành phần tham gia.

Đối với những người làm công tác PBGDPL ở địa phương thì đây cũng là dịp nhìn nhận lại những công việc đã làm, kịp thời đánh giá, rút ra những kinh nghiệm, bài học quý báu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, để công tác PBGDPL thực sự là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thông qua Cuộc thi góp phần quan trọng hình thành thói quen, nếp sống “Tuân thủ pháp luật”, “Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.

Để có được kết quả này, tỉnh Bắc Ninh đã nghiêm túc triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp, hưởng ứng Cuộc thi trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, ngay sau khi Bộ Tư pháp phát động Cuộc thi, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hưởng ứng Cuộc thi trên địa bàn toàn tỉnh; đăng tải đường link Cuộc thi, Thể lệ, các tài liệu liên quan đến Cuộc thi trên Cổng TTĐT tỉnh, các Cổng TTĐT thành phần Sở Tư pháp, các sở, ngành trong tỉnh và UBND cấp huyện.

Các sở, ngành trong tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đều tổ chức hướng dẫn, triển khai hưởng ứng Cuộc thi, truyền thông rộng rãi trong cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên, người lao động tạo hiệu ứng lan tỏa về Cuộc thi… Nhiều trường học, đơn vị, địa phương đã có nhiều giải pháp truyền thông, vận động và tổ chức Cuộc thi đạt kết quả cao.

Sẽ xây dựng phần mềm chuyên biệt tổ chức các cuộc thi trực tuyến

Định hướng trong thời gian tới đối với các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, ông Phan Hồng Nguyên kỳ vọng sẽ xây dựng phần mềm chuyên biệt tổ chức các cuộc thi trực tuyến và có chia sẻ với Sở Tư pháp, bộ, ngành. Trên cơ sở phần mềm này, tùy theo mục tiêu, đối tượng, nội dung…, sẽ phát triển thêm các tính năng, trường dữ liệu để phục vụ các cuộc thi trực tuyến được hiệu quả. Cũng theo ông Nguyên, Vụ đang phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan để hoàn thiện các tính năng, trên tinh thần là Cổng thông tin PBGDPL quốc gia và các cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ trên toàn quốc, các bộ, ngành, địa phương sẽ cập nhật thông tin trên Cổng để làm giàu dữ liệu.

Đây sẽ là kho dữ liệu, không chỉ là các thông tin pháp luật mà còn tăng cường tính tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật cho người dân, phục vụ đắc lực cho công tác theo dõi, chỉ đạo, quản lý nhà nước để cùng với các hệ thống đầu tư công trung hạn khác của Bộ, ngành Tư pháp sẽ có được địa chỉ tin cậy cho các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, địa phương truy cập. Vụ còn dự kiến tham mưu, nghiên cứu, đề xuất xây dựng đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, tiếp nối Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đại mong muốn Bộ sẽ tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến, bổ ích, hiệu quả hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Đại mong muốn Bộ sẽ tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến, bổ ích, hiệu quả hơn nữa.

Về phía Sở Tư pháp Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Đại mong muốn Bộ sẽ tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến, bổ ích, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Để những cuộc thi tương tự đạt được nhiều thành công hơn nữa, ông Đại đề nghị Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào hoạt động Cổng TTĐT chuyên biệt PBGDPL của Trung ương với dung lượng lớn, cấu hình mạnh làm đầu mối thực hiện các hoạt động PBGDPL, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời là cơ sở để các địa phương xây dựng, vận hành Cổng TTĐT về PBGDPL của địa phương và chủ động tổ chức các cuộc thi trực tuyến tại địa phương.

Bên cạnh đó, thời gian tổ chức cuộc thi trên quy mô toàn quốc đề nghị bố trí thời gian dài hơn Cuộc thi này (1 quý/ 1 cuộc) để huy động được sự tham gia đông đảo của các đối tượng dự thi, tạo sự lan tỏa rộng rãi các quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ đề thi tìm hiểu pháp luật nên và cần tập trung vào những quy định mới, gần gũi với đại đa số nhân dân, gắn liền với đời sống, các vấn đề dư luận quan tâm…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông rộng khắp, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông làm nòng cốt và giữ vai trò chủ đạo. Phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trong phối hợp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hội viên, đoàn viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Đọc thêm