Theo quy định hiện hành thì TPL được làm 4 công việc, bao gồm thực hiện việc tống đạt văn bản; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án (THA); tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Dự thảo Nghị định dự kiến mở rộng phạm vi, thẩm quyền trong hoạt động tống đạt văn bản, hoạt động lập vi bằng và xác minh điều kiện THA.
Vấn đề được quan tâm trong xây dựng Dự thảo Nghị định là có nên tiếp tục trao quyền tổ chức cưỡng chế THA cho TPL. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định) Đỗ Hoàng Yến cho biết đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Trong khi thời gian qua, TPL mới chỉ tổ chức cưỡng chế THA được duy nhất một vụ ở Quảng Ninh.
Hiện nay nếu cưỡng chế THA cần huy động lực lượng thì văn phòng TPL phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng ban Chỉ đạo THA cấp huyện nơi đặt văn phòng. Từ đó, TPL lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục THA dân sự kèm theo hồ sơ THA để được phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế. Cũng theo bà Yến, quá trình soạn thảo Nghị định, Bộ đã gửi công văn xin ý kiến Bộ Công an, TANDTC và VKSNDTC và đến nay đã nhận được ý kiến phản hồi từ Bộ Công an đồng tình phương án cưỡng chế THA phải có phê duyệt của Cục trưởng Cục THA dân sự.
Tại cuộc họp, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính hoan nghênh phản hồi quý báu của Bộ Công an. Tuy nhiên, ông phân tích trở lại vào thời điểm xây dựng thí điểm chế định TPL thì vướng mắc ở chỗ nhiều địa phương cho rằng TPL là tư nhân, sao lại giao quyền cưỡng chế, trong khi quá trình thí điểm thực chất mới là giao quyền xử lý tài sản của đương sự mà bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên. Tới đây, ông đề nghị cần làm rõ quan điểm khi cưỡng chế THA, không phải công an bảo vệ TPL mà phải hiểu rằng ở đâu có nguy cơ mất trật tự an ninh, an toàn xã hội (cưỡng chế THA có thể có nguy cơ này) thì cơ quan công an cần vào cuộc để bảo vệ trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự Nguyễn Văn Sơn, quan điểm của Tổng cục cũng là giữ nguyên thẩm quyền này và các quy định hiện có. Bởi nếu loại bỏ thì biện pháp mạnh mẽ nhất trong tổ chức THA không còn, người dân yêu cầu thì TPL “bó tay”. Quy định Cục trưởng Cục THA dân sự ra quyết định phê duyệt kế hoạch cưỡng chế THA vừa không thả nổi cho TPL, vừa tránh quan điểm cho rằng lực lượng vũ trang đi phục vụ cho doanh nghiệp.
Cũng tại cuộc họp, trả lời Bộ trưởng Lê Thành Long về vấn đề làm sao “phân sân” tương đối để xử lý công việc giữa TPL với THA một cách hài hòa, kết hợp, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, TPL không phải là THA. Tham khảo kinh nghiệm của các nước, ông cho biết, Hung-ga-ry là nước có nền kinh tế chuyển đổi giống Việt Nam thì phân biệt theo loại việc (TPL thi hành những việc theo yêu cầu của người dân, chấp hành viên chỉ THA chủ động cho Nhà nước) và đến năm 2012, 70% số việc ở Hung-ga-ry là do TPL thực hiện. Có nước thì phân việc THA dân sự với THA phần dân sự trong các án hình sự, kinh tế, hành chính…
Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng, ở Việt Nam “phân sân” như trên trong điều kiện hiện nay, TPL đều chưa đáp ứng được. Bởi TPL vừa mới chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước, một số yếu kém trong quá trình thí điểm vẫn còn. “Muốn “phân sân” phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, hai hệ thống THA và TPL có thể tồn tại song song” — ông nói và đề nghị, để thúc đẩy TPL mạnh lên có nhiều việc phải làm, trước hết phụ thuộc vào cách chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng.