Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

(PLVN) -Sáng 20/10, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Dự khai mạc trực tuyến có Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, ông Kyle F.Kelhofer, Giám đốc Quốc gia, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào. 
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trên cơ sở các quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015, các luật mới được Quốc hội ban hành gần đây và kết quả tổng kết thi hành Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, Chính phủ đã xác định 4 chính sách để xây dựng Nghị định mới. Cụ thể là, hoàn thiện quy định pháp lý để xác định rõ hơn bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm; hoàn thiện cơ chế pháp lý về tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoàn thiện cơ chế pháp lý về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm; hoàn thiện cơ chế pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm theo hướng tạo thuận lợi, hiệu quả, thống nhất, ít rủi ro và tác động tiêu cực.

Để cụ thể hoá các chính sách được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ và cơ quan liên quan thực hiện việc xây dựng dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thứ trưởng cho biết hiện tại, dự thảo Nghị định đang được gửi xin ý kiến các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan; đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi của mọi cá nhân, tổ chức. 

Do đó, Thứ trưởng nhấn mạnh Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng, nằm trong kế hoạch lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định. Đây là diễn đàn cho các chuyên gia, đại diện tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, những người làm nghiên cứu và thực tiễn cùng chia sẻ ý kiến đóng góp hoàn thiện những quy định của dự thảo Nghị định, bảo đảm các yêu cầu pháp lý, an toàn giao dịch, tính khả thi, tháo gỡ khó khăn cho việc ký kết và thực hiện các biện pháp bảo đảm. Thông qua đó, thúc đẩy cơ hội tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Để đạt được mục đích của Hội thảo, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu chủ động, tích cực tham gia, đóng góp ý kiến, chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ của mình một cách có trách nhiệm đối với những nội dung của dự thảo Nghị định để Tổ biên tập tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu. “Đây là văn bản dưới luật nên chắc chắn có nhiều mong muốn đổi mới mạnh mẽ nhưng không được vượt quá quy định của Bộ luật dân sự và các luật của Quốc hội đồng thời cần đồng bộ, thống nhất với cả hệ thống pháp luật, khả thi trong điều kiện Việt Nam” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia Giao dịch bảo đảm, đại diện thường trực Tổ biên tập xây dựng Nghị định cho biết: Bộ luật Dân sự được Quốc hội thông qua năm 2015 đã quy định nhiều nội dung mới liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Những quy định mới này dẫn đến nhiều nội dung của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm không còn phù hợp. 

Bên cạnh đó, thực tiễn sau gần 15 năm thi hành Nghị định số 163 về giao dịch bảo đảm cho thấy những tồn tại, bất cập từ ngay chính các quy định của Nghị định và thực tiễn áp dụng trên thực tế. Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành tổng kết thi hành Nghị định 163 để đánh giá đầy đủ các mặt được và chưa được của Nghị định, làm cơ sở cho việc đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định 163.

Trên cơ sở 4 chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 6 chương, 63 Điều quy định về các quy định chung; bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm và điều khoản thi hành. 

Tại Hội thảo, Giáo sư luật Nguyễn Xuân Thảo, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, Trường Luật Robert H.McKinney, Đại học Indiana, Hoa Kỳ đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và ý kiến bình luận của IFC đối với dự thảo Nghị định. Qua đó, các đại biểu trong ngành ngân hàng, văn phòng đăng ký, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, nêu ý kiến về các vấn đề cụ thể như chia sẻ kinh nghiệm pháp luật quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm bằng động sản; góp ý và nêu giải pháp cụ thể đối với những quy định cần được hoàn thiện hơn trong dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ… 

Đọc thêm