Tiết giảm chi phí bổ sung nguồn chống dịch

(PLVN) -Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Huy động mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine

Theo Nghị quyết, trong tháng 5, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã tập trung chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, xử lý, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, cần thiết, phù hợp để tăng cường phòng, chống, khoanh vùng, cách ly, dập dịch và tích cực điều trị.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các địa phương nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, tấn công là chủ động, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài, quyết định; tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa ở những nơi có ổ dịch với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân là chủ thể, là trung tâm và sự ổn định phát triển của doanh nghiệp lúc này là quan trọng. Thực hiện nghiêm phương châm “vaccine + 5K” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ toàn diện, rộng rãi, trong đó vaccine là yếu tố quyết định, do đó cần khẩn trương triển khai nhanh, hiệu quả chiến lược vcccine.

Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính tại Văn bản số 103/TTr-BTC ngày 2/6/2021 về: Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết; Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 6 năm 2021.

Báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/6/2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vaccine.

Xem khó khăn, thách thức thành động lực để vươn lên

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các ngành dịch vụ, du lịch, các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp, hộ kinh doanh, buôn bán cá thể tại các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất nhận thức về tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức; nhưng không bi quan, dao động, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh mà phải xem khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định, trưởng thành, phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, đưa ra nhiệm vụ giải pháp đúng hướng, phù hợp, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả.

Khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ban hành kèm theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ; đồng thời, ban hành và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, ngành, địa phương.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công; chấm dứt tình trạng xin cho, chạy dự án trong đầu tư công làm cho đầu tư công chậm trễ, dài trải, kém hiệu quả, kéo dài...; chủ động hỗ trợ hiệu quả, thiết thực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo thẩm quyền.

Đọc thêm