Thiết lập quyền ưu tiên hạ cánh
Theo ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (CAA), đơn vị này vừa có văn bản gửi Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các hãng hàng không về tạo điều kiện cho những chuyến bay vận chuyển vắc xin.
“Với chính sách khuyến khích nhập khẩu vắc xin COVID-19 của Chính phủ, trong thời gian tới số lượng các chuyến bay vận chuyển vắc xin đến và quá cảnh qua Việt Nam sẽ gia tăng”, ông Võ Huy Cường nhận định.
Theo CAA, do tính cấp thiết của việc nhận dạng và ưu tiên không lưu cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin, đơn vị này yêu cầu ACV bố trí cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin. CAA cũng yêu cầu VATM phổ biến cho các cơ sở ATS khai thác FPL lưu ý nội dung mục đích và tạo điều kiện cho chuyến bay vận chuyển vắc xin; cho phép thiết lập quyền ưu tiên hạ cánh cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin để rút ngắn thời gian vận chuyển đảm bảo chất lượng vắc xin.
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Việt Dũng – Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM cho biết, “tổng” này đã ưu tiên không lưu cho các chuyến bay chở vắc xin về Việt Nam. “Tinh thần là chúng tôi sẽ ưu tiên hết sức cho các chuyến bay chở vắc xin COVID-19 về Việt Nam”, ông Dũng nói và cho biết, dù hiện nay các chuyến bay tại Việt Nam là không nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tinh thần chung, trong mọi hoàn cảnh, luôn phải ưu tiên các chuyến bay chở vắc xin. “Chúng tôi đã chỉ đạo, phổ biến tinh thần này cho các đơn vị thực hiện”, ông Dũng nói, đồng thời cho biết việc ưu tiên này đã được VATM kích hoạt từ 7h00 (giờ Hà Nội) ngày 3/6/2021.
Theo lãnh đạo VATM, tới thời điểm hiện tại, khi vắc xin COVID-19 đang được triển khai, tốc độ phân phối, vận chuyển vắc xin là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần chống lại đại dịch một cách hiệu quả.
Cần nhận biết chuyến bay chở vắc xin
Cũng theo lãnh đạo VATM, theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các cơ quan quản lý trên toàn thế giới cần thực hiện những biện pháp đặc biệt để đảm bảo rằng vắc xin COVID-19 được phân phối hiệu quả và an toàn nhằm hỗ trợ các nỗ lực khôi phục toàn cầu. Ngoài ra, với chính sách khuyến khích nhập khẩu vắc xin của Chính phủ, trong thời gian tới số lượng các chuyến bay vận chuyển vắc xin đến và quá cảnh qua Việt Nam sẽ gia tăng.
Theo đó, VATM được thiết lập quyền ưu tiên hạ cánh cho các chuyến bay vận chuyển vắc xin để rút ngắn thời gian vận chuyển, đảm bảo chất lượng vắc xin. Để nhận dạng các chuyến bay vận chuyển vắc xin, VATM yêu cầu các hãng hàng không điền vào kế hoạch bay không lưu (FPL) “RMK/VACCINE” để thông báo chuyến bay đang vận chuyển vắc xin.
Do vắc xin COVID-19 là mặt hàng có giá trị cao và quá trình vận chuyển tiềm ẩn các rủi ro do phải chuyên chở số lượng đá khô lớn kèm theo, việc nhận dạng chuyến bay đang vận chuyển vắc xin là cần thiết để các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có thể tập trung đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay này.
Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, khi nhận được yêu cầu của tổ lái chuyến bay vận chuyển vắc xin về việc bay tắt để rút ngắn thời gian bay, đảm bảo an toàn cho chuyến bay, VATM sẽ cho phép cơ sở điều hành bay điều hành theo phương án bay tắt, rút ngắn đường bay nếu đảm bảo công tác hiệp đồng và an toàn bay.
Trong khi đó, ông Đặng Anh Tuấn – Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho biết, thời gian qua, hãng này đã triển khai vận chuyển miễn phí y, bác sĩ, chuyên gia y tế và chuyên chở nhiều lô hàng hóa, vắc xin, trang thiết bị y tế cấp thiết cho các tỉnh, thành trên cả nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Liên quan đến việc chở vắc xin ở nước ngoài về Việt Nam, ông Tuấn cho biết, Vietnam Airlines đã đăng ký với Bộ Y tế. “Khi Bộ Y tế có nhu cầu, Vietnam Airlines sẵn sàng lên đường”, ông Tuấn khẳng định.