Tiết kiệm năng lượng: Câu chuyện liên tục, không có điểm dừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong tỷ lệ tiêu thụ điện ở Việt Nam, ngành công nghiệp xây dựng luôn dẫn đầu với tỷ trọng gấp 2-3 lần so với các ngành thương mại, dịch vụ hoặc điện sinh hoạt. Do đó, tiết kiệm năng lượng với các doanh nghiệp sản xuất là câu chuyện chưa bao giờ cũ…
Sử dụng dây chuyền hiện đại là phương án tiết kiệm năng lượng tối ưu.
Sử dụng dây chuyền hiện đại là phương án tiết kiệm năng lượng tối ưu.

Đầu tư hàng chục tỷ đồng để tiết kiệm năng lượng

Rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, sử dụng những phương thức tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền điện hàng năm. Ví dụ như các nhà máy của Vinamilk. Theo thông tin từ đơn vị này, tại các nhà máy của Vinamilk, năng lượng xanh và năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng chính trong hoạt động sản xuất.

Nhiên liệu Biomass từ vỏ trấu, xơ dừa, mùn cưa, dăm gỗ được chuyển thành năng lượng lò hơi phục vụ cho sản xuất - thân thiện với môi trường. Năng lượng Biomass chiếm 35% năng lượng sử dụng và tăng dần qua các năm (Vinamilk có 9 nhà máy đang sử dụng năng lượng từ Biomass).

Ngành than, thép cũng là những ngành “ngốn” nguồn điện khổng lồ khoảng 5-7 năm trước đây. Đây là những ngành được nhận diện tiêu tốn điện rất lớn. Bộ Công Thương đã từng chỉ ra, ngành công nghiệp hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30-35%. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất cần tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, điều này mang lại ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, rất nhiều công ty ở Quảng Ninh đã có các phương án để tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, Công ty Cổ phần Than Núi Béo. Bình thường, mỗi tháng doanh nghiệp này mất khoảng 4-5 tỷ đồng tiền điện. Nhằm tiết kiệm tiền điện, từ năm 2017, doanh nghiệp đã sử dụng nồi hơi sinh nhiệt để vận hành thiết bị phục vụ các nhu cầu về giặt, sấy quần áo bảo hộ lao động, tắm nước nóng, ăn công nghiệp, sử dụng điều hòa... cho hơn 2.000 lao động.

Sử dụng giải pháp này không những nâng cao được mức độ an toàn trong quản lý vận hành mà đã giúp đơn vị tiết kiệm được gần 130 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Và nhiều phương án sử dụng tiết kiệm năng lượng khác để tiết kiệm chi phí điện năng hàng tháng. Nhờ đó, sản lượng điện năng tiêu thụ để sản xuất một tấn than của doanh nghiệp đã giảm từ 25,5kWh (năm 2019) xuống còn 22,2 kWh (năm 2020).

Hay như Công ty Than Cửa Ông, để hướng đến mục tiêu tiết kiệm ít nhất 100.000 kWh/năm, doanh nghiệp này đã đầu tư 15 tỷ đồng cho những hạng mục tiến hành tự động hóa quản lý việc theo dõi, vận hành các trạm điện; lắp mới cột đèn chiếu sáng nâng hạ để tăng hiệu quả chiếu sáng mặt bằng; lắp đặt máy nén khí trục vít 190kW để tăng công suất cho thiết bị.

Thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Tiết kiệm năng lượng được nhận diện là một trong các biện pháp để doanh nghiệp giữ được chi phí sản xuất thấp và tồn tại được trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Đây cũng là áp lực để doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ dây chuyền sản xuất kinh doanh, hướng đến các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương tổ chức các Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp hàng năm nhằm ghi nhận, tôn vinh các mô hình, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, qua đó tạo hiệu ứng về mặt xã hội, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong giai đoạn công nghiệp hóa đất nước.

Khẳng định tiết kiệm năng lượng là câu chuyện xảy ra liên tục, sẽ không có điểm dừng, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững lưu ý, doanh nghiệp cần luôn thực hiện chủ trương tìm kiếm, thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Bởi các thiết bị cũ thông thường sẽ tiêu tốn một lượng điện năng lớn để tải nên khi sử dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí điện năng. Ngoài ra, một số thiết bị, máy móc cũ lâu đời còn có thể rò rỉ điện và gây nguy cơ cháy nổ.

Bên cạnh đó, những sản phẩm tiết kiệm năng lượng liên tục được các đơn vị sản xuất kinh doanh nghiên cứu và đưa vào sử dụng. Các doanh nghiệp nên cân nhắc thay thế bằng các thiết bị hiện đại khác vừa an toàn vừa tiết kiệm hơn, lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí hiệu suất cao, bao gồm các động cơ, chiếu sáng, máy bơm, các thiết bị nhiệt và thông gió… Do đó, chỉ cần doanh nghiệp sản xuất muốn và có ý thức tìm tòi các phương án tối ưu nhất thì việc tiết kiệm năng lượng sẽ luôn hiện hữu trong những hành động nhỏ nhất, diễn ra mỗi ngày.

Đọc thêm