Theo TASS, Trung tướng Thomas Bussiere - Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) - nói với các phóng viên rằng, những người tham gia các cuộc đàm phán vừa diễn ra đã thảo luận về việc Nga gần đây đã thông qua chính sách nhà nước về răn đe hạt nhân.
Theo lời ông Bussiere, phía Mỹ đã tìm kiếm “một sự hiểu biết sâu sắc hơn, toàn diện hơn” về vấn đề này.
“Chúng tôi có cơ hội để đề cập ngắn gọn với Bộ Tổng tham mưu Nga những câu hỏi và mối quan tâm của chúng tôi và làm rõ các khía cạnh của tài liệu đó”, quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Vẫn theo vị Tướng Mỹ, 2 bên cũng đã thảo luận không chỉ về ý nghĩa lớn hơn của học thuyết mới của Nga để giảm bớt bất kỳ hiểu lầm nào mà còn trao đổi để có sự hiểu biết nhiều hơn về vũ khí hạt nhân phi chiến lược, còn được gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật.
“Chúng tôi cũng đã nhất trí rằng đó sẽ là một cơ hội tuyệt vời để Mỹ và Nga hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về ý nghĩa của học thuyết của họ và cách các vũ khí hạt nhân chiến lược phù hợp với học thuyết đó”, ông Bussiere nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 22/6, Nga và Mỹ đã có cuộc đàm phán về sự ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí ở Vienna.
Phái đoàn Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đứng đầu còn Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Kiểm soát Vũ khí Marshall Billingslea dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Mỹ. Việc gia hạn Hiệp ước START mới cũng là vấn đề được đưa ra bàn đàm phán.
Cuộc đàm phán diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/6 đã ký một nghị định phê chuẩn các nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân của Nga.
Tài liệu được Tổng thống Nga ký thay thế một văn bản tương tự đã được phê duyệt 10 năm trước và có hiệu lực cho đến năm 2020.
Chiến lược mới xác nhận rằng chính sách của nhà nước Nga trong lĩnh vực răn đe hạt nhân có tính chất phòng thủ. Một trong những nguyên tắc chính của văn bản là tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí quốc tế.