Nhưng ít ai biết rằng ngay từ đầu những năm 1960, Trung Quốc đã tốn rất nhiều công sức tiền của để thiết lập một hệ thống tên lửa dùng để đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Mỹ, Liên Xô rồi ngưng nửa chừng vào năm 1980. Mãi đến gần đây, những thông tin về công trình tuyệt mật này mới được tiết lộ…
Chạy đua ...
Vào giữa và cuối những năm 1950, với sự phát triển mang tính đột phá về kỹ thuật của các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo tầm xa, tên lửa mang nhiều đầu đạn, các bệ phóng di động… việc chế tạo, phát triển hệ thống báo động sớm, hệ thống phân biệt mục tiêu, vũ khí đánh chặn và hệ thống thông tin, điều khiển nằm trong hệ thống phòng ngự đã trở thành vấn đề kỹ thuật phức tạp đối với các cường quốc quân sự trên thế giới.
Hai phe trong cuộc chiến tranh Lạnh đều bắt tay nghiên cứu hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa đối phương để tránh cho lãnh thổ của mình bị tập kích.
Từ đầu thập niên 1950, Mỹ đã bắt tay nghiên cứu chế tạo hệ thống vũ khí chống tên lửa “Nike-Zeus Missile”, đến 1963 thì cải tiến thành “Nike-X”, đến 1967 trên cơ sở đó lại phát triển thành hệ thống “Sentry”, đến 1969 phát triển tiếp thành “Safeguard” sử dụng các loại tên lửa LIM-49A Spartan và Sprint, bắt đầu được chính thức bố trí từ tháng 3/1969 dùng để đánh chặn các tên lửa đạn đạo từ ngoài khí quyển.
|
Siêu pháo Tiên phong dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo |
Liên Xô từ năm 1956 cũng bắt đầu nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo A-35, loại này sử dụng tên lửa đánh chặn Galosh, được bố trí từ năm 1964 rồi phát triển thành hệ thống A-135 sử dụng loại tên lửa tầm xa Gorgon (SH-11/ABM-4) được thiết kế để đánh chặn những mục tiêu bên ngoài khí quyển và tên lửa tầm ngắn Gazelle (SH-08/ABM-3) để tiêu diệt những mục tiêu thoát được tên lửa Gorgon.
Bị “kẹp” giữa hai đối thủ chiến lược, cho rằng bị 2 cường quốc hạt nhân Mỹ, Liên Xô phong tỏa và đe dọa hạt nhân, từ giữa những năm 1960, Quân ủy Trung Quốc một mặt quyết định áp dụng biện pháp “sơ tán các xí nghiệp trọng yếu, xây dựng các công sự, hầm ngầm kiên cố”; mặt khác bắt đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống phòng ngự tên lửa riêng để tránh bị những đòn “tiên phát chế nhân”, đánh phủ đầu của Mỹ, Liên Xô.
Ngày 6/2/1964, ông Mao Trạch Đông gặp nhà khoa học Tiền Học Sâm, yêu cầu nghiên cứu hệ thống vũ khí chống tên lửa đạn đạo. Chỉ thị đó của Mao Trạch Đông sau này được gọi là “Chỉ thị 640”, trở thành căn cứ để Trung Quốc nghiên cứu vũ khí chống tên lửa đạn đạo. Cũng vì vậy, công trình nghiên cứu chống tên lửa đạn đạo được đặt mật danh là “Công trình 640” và trở thành nhiệm vụ trọng điểm của quốc gia trong suốt thời gian dài.
Để quán triệt thực hiện chỉ thị của Mao Trạch Đông, Ủy ban Khoa học kỹ thuật và Công nghiệp quốc phòng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, lập ra cơ cấu lãnh đạo và cơ quan chuyên trách với quyết tâm lập ra bằng được hệ thống vũ khí chống tên lửa đạn đạo riêng của Trung Quốc trong khoảng thời gian 1973 - 1975.
|
Tên lửa FJ-1 trên đường vận chuyển |
Ba phương thức chống tên lửa đạn đạo
Ngày 23/3/1964, Ủy ban này tổ chức hội thảo khoa học về vũ khí phòng ngự tên lửa thu hút hơn 30 chuyên gia, cán bộ lãnh đạo trong đó có Bộ trưởng Cơ khí 4 Vương Tranh, Viện trưởng Viện 5 Tiền Học Sâm và các nhà khoa học hàng đầu. Hội nghị xác định nghiên cứu theo 3 hướng: dùng tên lửa chống tên lửa, dùng siêu pháo chống tên lửa và dùng vũ khí laser chống tên lửa.
Trong đó, đặt nghiên cứu tên lửa chống tên lửa thành ưu tiên số 1, giao cho Viện 5/Bộ Quốc phòng phụ trách; siêu pháo chống tên lửa giao Viện nghiên cứu pháo binh phụ trách; nghiên cứu vũ khí laser chống tên lửa do Viện nghiên cứu quang học cơ khí chính xác Thượng Hải phụ trách. Sau hội nghị, bản báo cáo đã được trình lên ông Mao Trạch Đông và Quân ủy.
Tháng 5/1964, Tống Kiện, người phụ trách Phân viện 2 thuộc Viện 5 viết thư gửi Viện trưởng Tiền Học Sâm đề xuất nghiên cứu hệ thống chống tên lửa tầm thấp trước, loại đạn tên lửa dùng để đánh chặn lúc đầu đặt tên là “Hồng Kỳ - 81” (HQ-81), sau đổi thành “Phản kích-1” (FJ-1) với các chức năng, độ cao nhận biết 80km, độ cao đánh chặn 15km, thời gian phóng khoảng 15s, tốc độ tên lửa đạt 1.500m/s, Tiền Học Sâm bày tỏ đồng ý.
Với những chỉ tiêu cơ bản đó, Phân viện 2 bắt đầu công tác thiết kế kỹ thuật. Việc nghiên cứu chế tạo “Hồng kỳ - 81” trở thành nhiệm vụ trọng tâm năm 1966 của Phân viện 2. Đến cuối tháng 2/1966, 3 quả đạn kích cỡ nhỏ hơn thực tế đã thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, do “Cách mạng Văn hóa” bùng nổ nên tiến độ phát triển của “Công trình 640” bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
FJ-1 trên bệ phóng |
Năm 1969 Trung-Xô xảy ra vụ “Xung đột đảo Trân Bảo (Damanski)” chấn động thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô khi đó là Nguyên soái Gresko công khai tuyên bố “tiến hành đòn đánh hạt nhân kiểu phẫu thuật ngoại khoa” với Trung Quốc, cả nước Trung Quốc lâm vào trạng thái chuẩn bị chiến tranh. Trong phong trào toàn dân “Đào hầm sâu, trữ lương nhiều”, kế hoạch chống tên lửa đạn đạo cũng bị sức ép lớn.
Bãi thử của chương trình này cũng phải di chuyển từ Tân Cương về huyện Tầm Điện, Vân Nam. Ngày 14/8/1969, Thủ tướng Chu Ân Lai phê chuẩn đổi tên Bộ Cơ khí 7 thành “Viện nghiên cứu tổng thể chống tên lửa, chống vệ tinh”; Phân viện 2 bắt đầu tập trung lực lượng để đột phá kỹ thuật trong việc sản xuất tên lửa “FJ” và pháo “Tiên phong” chống tên lửa.
Chương trình dùng tên lửa đánh chặn tên lửa
Chương trình nghiên cứu phát triển tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo gọi là “Công trình 640-1”. Đạn tên lửa dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo gồm 3 loại: FJ-1 và FJ-2 dùng đánh chặn tầm thấp, FJ-3 dùng để đánh chặn tầm cao. Tên lửa FJ-1 được sử dụng thử nghiệm đánh chặn tên lửa Đông phong-3 của Trung Quốc.
Tháng 8/1970, lần đầu tiên mô hình đạn FJ-1 được thử nghiệm bay thành công, đạt được yêu cầu về ngoại hình khí động, tính năng động cơ, cơ cấu tách rời các tầng và kết cấu bệ phóng; nhưng lần thử nghiệm thành công đó cũng có điều đáng tiếc là không tìm lại được quả đạn mô hình rơi ở chỗ nào.
Sau đó vào ngày 22/2/1971, FJ-1 được cải tiến, Trung Quốc lần đầu sử dụng nhiên liệu rắn cho động cơ tên lửa, nhưng tên lửa đã bị nổ chỉ vài giây sau khi rời bệ phóng, sau đó nguyên nhân được xác định là do vỏ tên lửa quá mỏng, không đủ độ bền chắc.
|
Đạn FJ-1 |
Ngày 17/1/1972, FJ-1 lại được thử nghiệm sau khi đã được sửa chữa, hiệu chỉnh. Quá trình phóng, bay diễn ra bình thường, nhưng đến giai đoạn cuối thì cánh đuôi bị gãy, nhóm nghiên cứu lại phải tìm cách khắc phục.
Tháng 4/1972, đạn FJ-1 bắt đầu được sản xuất, xuất xưởng hàng loạt nhưng không mang bộ phận chiến đấu (đầu nổ). Ngày 15/5/1972, việc phóng thử quả đạn thật đầu tiên được tiến hành thử nghiệm tại Côn Minh (do radar 110 bố trí ở Vân Nam), nhưng chỉ rời bệ phóng được ít lâu thì đạn nổ, cuộc thử nghiệm thất bại.
Ông Chu Ân Lai hay tin thử nghiệm thất bại, ngày 19/5 đã chỉ thị: “Không nên vội vã phóng thử lần 2, phải làm rõ vấn đề, sau đó có biện pháp khắc phục rồi mới phóng tiếp”. Phó chủ tịch Quân ủy Diệp Kiếm Anh cũng chỉ thị: “Phải đảm bảo yêu cầu chất lượng”....
(Còn nữa)