Tiêu chí lựa chọn địa điểm triển khai dự án dược liệu quý

(PLVN) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BYT hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng báo dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. 
Mô hình trồng dược liệu ở Ba Vì, Hà Nội. Ảnh minh họa.

4 tiêu chí lựa chọn địa điểm

Theo đó, Điều 6 Thông tư quy định, địa điểm triển khai thực hiện dự án dược liệu quý phải đáp ứng các tiêu chí sau: Một là, là huyện có xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Hai là, huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ít nhất 50% tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số; Ba là, có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao; Bốn là, đối với các dự án có đề xuất triển khai trồng, phát triển Sâm Việt Nam cần có độ cao từ 1.000 mét trở lên so với mực nước biển.

Thông tư cũng quy định, tổng diện tích triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý tối thiểu là 210 ha, bao gồm các khu vực: các vùng nuôi trồng dược liệu quý, khu vực nhà xưởng, cơ sở bảo quản, cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện nước trong hàng rào dự án. Ưu tiên hỗ trợ dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có 30 ha ứng dụng công nghệ cao.

Tổng diện tích triển khai dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao tối thiểu là 50 ha bao gồm khu vực: bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, cây đầu dòng, giống gốc, nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm, sản xuất giống gốc, sản xuất giống thương phẩm, cơ sở hạ tầng, giao thông, điện, nước trong hàng rào dự án.

Việc lựa chọn cây dược liệu để triển khai thực hiện dự án dược liệu quý đáp ứng yêu cầu sau: Thuộc danh mục dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao tại Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 – 2030; Phù hợp với điều kiện sinh trưởng phát triển tại địa phương, cho năng suất, chất lượng cao; Ưu tiên bảo tồn phát triển cây dược liệu tại địa phương, thuộc danh mục cây dược liệu quý, hiếm, đặc hữu theo quy định của Bộ Y tế.

Về tiêu chuẩn kỹ thuật, Thông tư quy định, dược liệu được nuôi trồng phải đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên được quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BYT ngày 30/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên.

Cơ sở chế biến, sản xuất dược liệu phải đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Còn dự án dược liệu quý ứng dụng công nghệ cao là dự án đáp ứng tiêu chí theo Quyết định số 34/2019/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành kèm theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Điều kiện hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước

Thông tư quy định, dự án dược liệu quý được hỗ trợ từ vốn ngân sách nhà nước phải đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Cụ thể, dự án, kế hoạch liên kết phải xác định được kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch năm và thời điểm kết thúc dự án.

Đơn vị chủ trì liên kết và các đối tượng liên kết phải có hợp đồng hoặc biên bản hợp tác về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, dự án phải đảm bảo tỷ lệ tham gia của người dân thuộc đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án, mô hình có trên 70% người dân tham gia là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Đọc thêm