7,2 tấn cà rốt lậu “thoát hiểm“

(PLO) - Một lô hàng cà rốt từ Trung Quốc nhập lậu vào VN và bị lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình bắt giữ trong khi được vận chuyển đi tiêu thụ. Thế nhưng ngay sau đó lại được giải phóng bằng cách bán thanh lý cho chủ hàng để tiếp tục được đưa đi giao bán.
Số cà rốt không rõ nguồn gốc vẫn được đưa đến tay người tiêu dùng
Số cà rốt không rõ nguồn gốc vẫn được đưa đến tay người tiêu dùng
Theo trình bày của anh Nguyễn Quốc Phong (ở Lâm Đồng), tài xế xe tải mang biển số 49C-041.72 thì lô hàng 7,2 tấn cà rốt do anh nhận chở cho một chủ hàng ở Bắc Ninh vào Khánh Hòa. Khuya 22/7, khi xe vào đến địa phận H.Bố Trạch, Quảng Bình thì bị Đội QLTT số 5 dừng xe kiểm tra. Khi nhận hàng ở Bắc Ninh, chủ hàng có giao cho anh Phong 1 bì giấy dán kín, bì giấy này sẽ giao cho bên nhận hàng. Lúc bị kiểm tra, anh đã đưa bì giấy cho QLTT và không biết bên trong đó có giấy tờ gì.
Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục QLTT Quảng Bình thì họ không nhận được bất cứ loại giấy tờ gì cả. Lực lượng QLTT đã ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy tờ theo thủ tục hành chính vì hàng hóa không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.
Điều khó hiểu là ngay chiều 23/7, cà rốt lại được bán thanh lý cho chủ hàng trên và được bốc lên xe 49C-041.72 để chở vào miền Nam tiêu thụ mà không có bất kỳ một cuộc kiểm tra, xét nghiệm chất lượng cà rốt trong khi hàng không hề có bất kỳ loại giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc. Ngày 23/7, chủ hàng ở Bắc Ninh đã chuyển 29 triệu đồng cho nhà xe rút ra mang đến nộp cho QLTT rồi bốc hàng lên tiếp tục hành trình.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Đạt - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Bình cho rằng, đây là loại hàng hóa dễ hư hỏng, trong khi QLTT không có điều kiện để bảo quản nên đã báo cáo Sở Tài chính cho thành lập ngay hội đồng định giá để thanh lý cho người có nhu cầu. Trả lời chất vấn của PV về chất lượng hàng, ban đầu ông Đạt cho rằng vì hàng có giấy tờ kiểm định nên không cần phải kiểm tra thêm nữa. Nhưng khi PV đề nghị cho xem giấy tờ thì ông Đạt lại nói là không có và vì hàng không có dấu hiệu gì bất thường nên không cần phải lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng QLTT cũng không có trách nhiệm phải xét nghiệm chất lượng hàng hóa.
Như vậy, đường đi của lô hàng lậu chỉ bị dừng lại xử phạt tiền, sau đó mặc nhiên đến tay người tiêu dùng mà không ai biết nguồn gốc, chất lượng như thế nào.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...

Mọi kiến nghị của độc giả xin gọi vào số điện thoại ĐDN: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com 

Đọc thêm