Sẽ bỏ quy định giới hạn số SIM điện thoại cho một người

(PLO) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang đề xuất bỏ quy định liên quan đến giới hạn số SIM điện thoại một cá nhân có thể đăng ký sử dụng, với lý do là không đạt hiệu quả quản lý.
Tìm hiểu về các dịch vụ viễn thông trong phiên chợ tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa
Tìm hiểu về các dịch vụ viễn thông trong phiên chợ tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa

Không hiệu quả do không kiểm soát được

Nghị định 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông đã quy định, đối với 3 số thuê bao đầu tiên, cá nhân xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử bản xác nhận thông tin thuê bao, còn đối với số thuê bao thứ tư trở lên, thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động. Doanh nghiệp viễn thông di động phải kiểm tra, giám sát, bảo đảm các số thuê bao đó được sử dụng theo đúng quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP.

Khi xây dựng quy định trên, Bộ TT&TT đặt trong bối cảnh thực hiện quy định của Hiến pháp trong việc không giới hạn số lượng SIM thuê bao một cá nhân có thể đăng ký sử dụng, đồng thời phòng trường hợp cá nhân đề nghị cung cấp số lượng lớn các số thuê bao và khai là để sử dụng cho bản thân mình mà doanh nghiệp không có quyền từ chối.

Bộ này cũng đề ra mục tiêu hạn chế việc cá nhân giao kết cung cấp, sử dụng nhiều hơn 3 SIM, đồng thời là một biện pháp mềm đối với việc các doanh nghiệp viễn thông di động cố tình hòa mạng sẵn SIM thuê bao thông qua việc giả mạo thông tin thuê bao như lâu nay. Sở dĩ quy định nhiều hơn 3 SIM phải ký hợp đồng là vì con số này phù hợp với quy định và thực tế đang triển khai hiện nay là mỗi người chỉ được đăng ký sử dụng 3 SIM trả trước.

Tuy nhiên, quan hơn 1 năm thực hiện quy định này, Bộ TT&TT nhận thấy, mục tiêu hạn chế giới hạn bằng hình thức ký hợp đồng không mang lại hiệu quả, do doanh nghiệp không kiểm soát được việc người sử dụng chuyển quyền sử dụng mà không ký lại hợp đồng. Bộ này đưa ra ví dụ: hợp đồng ban đầu sử dụng hơn 100 SIM nhưng sau đó người sử dụng chuyển quyền 20 SIM và cả người chuyển, người được chuyển đều không ký lại thì doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Do đó, quy định này thực sự không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Vì thế, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông mà Bộ TT&TT đang xây dựng, đã không còn quy định liên quan đến việc giới hạn số lượng SIM một người được đăng ký và phân biệt về việc giao kết hợp đồng như quy định hiện hành.

Sẽ xem xét bỏ quy định về triển khai các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông 

Nhằm tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng mua bán SIM quá dễ dàng (người sử dụng có thể mua SIM ở cả cửa hàng tạp hóa, nhà dân), Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định việc cung cấp SIM chỉ được thực hiện tại các Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp khác, sau khi đã hoàn thành việc cung cấp đủ và đúng thông tin thuê bao theo quy định. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (cố định và di động) của doanh nghiệp, ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác để thiết lập các điểm ủy quyền (cố định).

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, các doanh nghiệp viễn thông gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển các điểm cung cấp dịch vụ (đặc biệt là điểm cố định) do chi phí thiết lập cao (nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa). Điều này cũng gây khó khăn cho người sử dụng trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ. 

Bên cạnh đó, vì chưa có tiêu chí rõ ràng để phân biệt điểm cố định/di động và thế nào là thiết lập, nên một số doanh nghiệp đã lách luật bằng cách ký hợp đồng triển khai điểm lưu động với các cộng tác viên với lý do theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cộng tác viên cũng được công nhận là nhân viên của doanh nghiệp. 

Qua kết quả triển khai, Bộ TT&TT nhận thấy, việc triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không đạt được mục tiêu quản lý đề ra, đồng thời lại gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát triển hệ thống kênh bán hàng cũng như dẫn tới nhiều người dân (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa) khó tiếp cận dịch vụ. Đây cũng là quy định mà các doanh nghiệp đều đang kiến nghị cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp./.

Đọc thêm