Tiểu thương, "nhà mặt tiền" lao đao vì sức mua thoi thóp

Tại một số tuyến đường thuộc quận Tân Phú như đường Tân Kỳ Tân Quý, Tân Sơn Nhì, Trương Vĩnh Lý, Độc Lập… nhiều mặt bằng trước đây là văn phòng giao dịch bất động sản, kinh doanh thời trang, mỹ phẩm nay bị đóng cửa, đang treo bảng cho thuê mặt bằng hoặc đã chuyển qua kinh doanh quán nhậu bình dân, bún riêu cua.

Sức mua thoi thóp trên thị trường không chỉ làm cho tiểu thương bỏ sạp chợ mà ngay cả các cơ sở sản xuất cũng đứng ngồi không yên.

Theo Cục Thống kê TP. HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP trong tháng 5 giảm nhẹ 0,16% so với tháng trước, đây là tháng giảm thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay (tháng 4 giảm 0,33%; tháng 3 giảm 0,29%).

Trong tháng 5, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và công ty sản xuất hàng hóa đồng loạt tung ra các chương trình khuyến mại lớn nhân các ngày lễ (dịp lễ 30/4 và 1/5) song hàng hóa tiêu thụ tăng không đáng kể. Có 5/11 nhóm hàng trong tháng 5 giảm giá, các nhóm còn lại đứng giá hoặc mức tăng cũng không đáng kể.

Thịt bán ở chợ truyền thống như thế này khó đảm bảo vệ sinh
Thịt bán ở chợ truyền thống như thế này khó đảm bảo vệ sinh

Trên thị trường, do nguồn cung ổn định, lượng hàng dồi dào và sức mua yếu, các mặt hàng thiết yếu hiện đang có xu hướng giảm giá. Để kích thích tiêu dùng, các doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp để tìm “đầu ra” cho hàng hóa, trong đó có việc giảm giá bán, tặng thêm qùa nhưng vẫn không kéo được người tiêu dùng đến với sản phẩm.

Tại Cung Văn hóa Lao động, Cty TNHH MTV Bubble đã tổ chức Ngày hội mua sắm, diễn ra ngày 11 và 12/5, có hơn 1.500 mặt hàng quần áo thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, giày dép của hơn 100 gian hàng được tổ chức khá công phu nhưng ngày hội không thành công vì quá vắng khách mua.

Hàng ở ngày hội mua sắm này bán khá rẻ, thậm chí còn được khuyến mại lớn nhưng các công ty thuê gian hàng để kinh doanh thua lỗ vì ế. Đại diện của một gian hàng bán quần áo cho hay, ngày hội mua sắm vắng khách là do cùng thời điểm này ở TP.HCM cũng có 4-5 hội chợ “kích cầu” như ở Cung Văn hóa Lao động nên không kéo được số đông người dân đến mua hàng.  

Tình trạng kinh doanh khê đọng diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhưng dễ nhận thấy nhất là ở các khu chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa. Các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, nhu yếu phẩm sức mua của người dân từ đầu tháng 5 đến nay giảm mạnh. Tại chợ Tân Bình, giá thịt heo hơi hiện chỉ 37.000- 38.000 đồng/kg, giảm trên dưới 5.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp 40.000đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với đầu tháng 5.

Ông Trần Văn Tuấn, tiểu thương bán thịt heo chợ Tân Bình cho biết, mặc dù giá giảm nhưng vẫn không kích thích được sức mua vì người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm trong chi tiêu. Sức mua giảm, tiểu thương tạm ngưng kinh doanh hoặc đóng cửa sạp chợ diễn ra ở nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM. Chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) hiện có 285 sạp, con số này đã giảm trên 20% số sạp so với cách đây hai năm. Nguyên nhân được các tiểu thương ở đây giải thích là do các chi phí kinh doanh ở chợ cao, trong khi sức mua ngày càng giảm nên tiểu thương bỏ sạp chợ để giảm thiểu tình trạng buôn bán lỗ vốn.

Tại chợ đầu mối, hàng hóa về mỗi ngày vẫn dồi dào, giá giảm nhiều nhưng sức mua vẫn không tăng. Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức lượng hàng về chợ mỗi đêm khoảng 3.000 -3.700 tấn, trong nhiều mặt hàng rau củ quả đã giảm giá 1000- 7000 đồng/kg so với đầu tháng. Các loại thực phẩm như rau xà lách, nấm rơm, khoai tây, rau cải tại chợ đầu mối Bình Ðiền giá giảm từ 2.000-8.000 đồng/kg, trong đó nhiều mặt hàng rau củ quả đang có xu hướng giảm giá khi mưa đổ nhiều, sản lượng sẽ tăng.

Mặc dù nhiều siêu thị đã áp dụng chương trình khuyến mại giảm giá hàng nghìn mặt hàng từ từ 5-49%, tuy nhiên theo khảo sát thì sức mua vào thời điểm này đã giảm 20-30% so với cùng kỳ năm 2012.

Sức mua trên thị trường ngày càng giảm lan tỏa đến các cửa hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, kinh doanh thời trang, mỹ phẩm, quán nhậu.

Tại một số tuyến đường thuộc quận Tân Phú như đường Tân Kỳ Tân Quý, Tân Sơn Nhì, Trương Vĩnh Lý, Độc Lập… nhiều mặt bằng trước đây là văn phòng giao dịch bất động sản, kinh doanh thời trang, mỹ phẩm nay bị đóng cửa, đang treo bảng cho thuê mặt bằng hoặc đã chuyển qua kinh doanh quán nhậu bình dân, bún riêu cua.

Trên các tuyến đường này, nhiều điểm chủ mới, mặt hàng kinh doanh mới nhưng hầu hết hoạt động mua bán thì quá trầm lắng khi người bán nhiều người mua ít.

Kinh doanh không có lãi, nhiều mặt bằng cho thuê đang bỏ trống, mặc dù giá đã “đao” xuống thấp hơn 30-40% so với cách đây một năm nhưng vẫn ít người thuê. Bà Mai Thị Hoa, chủ một căn nhà có mặt bằng cho thuê đường Tân Sơn Nhì (Tân Phú ) cho biết, mặt bằng nhà của bà trước đây cho thuê 17 triệu đồng/tháng để kinh doanh quần áo, nay giảm xuống 12 triệu đồng nhưng vẫn chưa có người thuê.

Tại các cao ốc có mặt bằng cho thuê kinh doanh hàng hóa còn ế dài hơn khi treo bảng cả năm vẫn vắng khách. Tòa nhà Center đường Tô Hiến Thành, quận 10 trước đây giá cho thuê 20 USD/ m2/tháng, nay hạ xuống 8-10 USD/m2/tháng, giá tuy giảm nhưng hiện vẫn còn khoảng 20% diện tích còn bỏ trống.

Công ty Savills Việt Nam cho biết, trong quý 1/2013, tổng nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM khoảng 796.000 m2, tăng 4% so với quý  4/2012 và 14% so với cùng kỳ năm trước do sự gia nhập của một trung tâm mua sắm và hai siêu thị mới. Công suất thuê trung bình không đổi so với quý trước trong khi giá thuê trung bình giảm nhẹ khoảng -2% so với quý trước. Tình trạng sức mua yếu trên toàn thị trường đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình chung của cả nền kinh tế.

Theo giới kinh doanh, có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến sức mua trên giảm mạnh là do hàng hóa thiết yếu đang ở mức cao và người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu. Để sức mua tăng trở lại, theo các chuyên gia kinh tế, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cần giảm giá xuống, doanh nghiệp kinh doanh giảm bớt lãi để giá thành sản phẩm hạ hơn mới cứu được thị trường.

Trần Thế 

Đọc thêm