Còn nhiều băn khoăn
Qua 7 năm triển khai, 35 Đảng uỷ trực thuộc đã tích cực thực hiện Cuộc vận động, tạo động lực mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp và người lao động trong việc thay đổi thói quen mua sắm theo hướng ngày càng quan tâm lựa chọn hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất. Một số doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hàng hoá, tư liệu cho sản xuất...
Theo ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng uỷ Khối, trong điều kiện hội nhập quốc tế và mở cửa thị trường nội địa Việt Nam, toàn Khối với gần 1,3 triệu lao động, từng doanh nghiệp, ngân hàng phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi quản trị, thay đổi hệ thống sản xuất để tăng năng suất lao động, tối ưu hoá sử dụng nguồn lực, hướng đến thay đổi công nghệ, hiệu quả, nâng cao thương hiệu, tiếp thị mở rộng kênh phân phối, mở rộng thị phần bằng hàng hoá, dịch vụ với chất lượng ngày càng cao.
Tuy nhiên, để cuộc vận động ngày càng có hiệu quả, đại diện các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng tham dự hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như không ngừng nâng cao chất lượng, giá cả hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước.
Cụ thể, Nhà nước cần nỗ lực mạnh hơn trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu vào thị trường nội địa; có chính sách quản lý hộ kinh doanh, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), khuyến khích kinh doanh hàng do Việt Nam sản xuất; chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp có thị phần tốt ở thị trường nội địa; đồng thời có chính sách về mặt bằng kinh doanh ưu đãi cho doanh nghiệp bán hàng Việt Nam. “Nếu chính sách vĩ mô về tỷ giá chưa hợp lý thì vừa khó cho xuất khẩu, vừa khó cho cả bảo hộ thị trường trong nước phát triển”, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói.
Quan tâm tới vấn đề giá và thuế, ông Lê Nam Trà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông MobiFone nhận định: “Vấn đề giá và thuế cũng là hỗ trợ doanh nghiệp Việt. Nếu chỉ mình doanh nghiệp hợp tác với người dân thì giá và thuế ủng hộ trong thời gian khởi đầu. Nếu cứ để một doanh nghiệp loay hoay thì rất khó. Tôi đề nghị Chính phủ có chính sách cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp”.
Tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng
Ghi nhận những kết quả Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đạt được thời gian qua, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự sáng tạo của Đảng ủy Khối trong cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động bằng chủ trương “Các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau”.
Ông Nhân đề nghị Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ đảng viên nhằm tạo sự đồng thuận của tập thể, tập hợp đoàn kết và phát huy sức mạnh của doanh nghiệp và của các đoàn thể trong thực hiện Cuộc vận động.
Theo người đứng đầu MTTQ, để thực hiện tốt Cuộc vận động phải xuất phát từ nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng. Đảng ủy Khối cần tiếp tục khuyến khích lòng yêu nước của người Việt vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân và đất nước; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức: hàng hóa có chất lượng như nhau, giá cả như nhau, mua hàng Việt là yêu nước.
“Người sản xuất cần sản xuất các mặt hàng tốt, có chất lượng cao. Người tiêu dùng cần có nhận thức rõ giữa hai mặt hàng có chất lượng như nhau, giá cả như nhau, mua một món hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất là giúp thêm một người Việt Nam có việc làm, góp phần giúp kinh tế đất nước phát triển. Yêu nước là sử dụng hàng trong nước sản xuất”, ông Nhân nói.
Ông Nhân cũng đề nghị trong thời gian tới, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cần căn cứ vào thực tế, rà soát các chính sách, đánh giá thực tiễn, xây dựng chuyên đề, tổ chức tọa đàm để xây dựng các giải pháp khuyến khích phát triển tiêu thụ hàng sản xuất trong nước; thăm dò các mặt hàng, nghiên cứu tình hình để hướng đến chống bán phá giá tại Việt Nam.
Bên cạnh đó có thể kết nối thông tin, xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu các mặt hàng sản xuất trong nước đến người tiêu dùng, trong đó có sự so sánh, đối chiếu khách quan giữa hàng nội và hàng ngoại, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm.