Tìm cách “dẹp” cảnh tập đoàn KTNN “cha chung không ai khóc”

(PLO) - Xây dựng một số tập đoàn kinh tế (TĐKT) mạnh là cần thiết nhằm tạo ra trụ cột cho nền kinh tế nước nhà, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Việt Nam còn rất xa vời với các yêu cầu và điều kiện hình thành một TĐKT đúng nghĩa trong nền kinh tế thị trường.
Quan trọng hơn nữa là các TĐKT đang hoạt động thiếu chặt chẽ về luật pháp và quản lý. Đây là những đánh giá của một số chuyên gia tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của Tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) – Những vấn đề pháp lý cần hoàn thiện” do Bộ Tư pháp tổ chức chiều 23/10.
Tập đoàn Vinashin
 Tập đoàn Vinashin
“Không hư hỏng mới lạ”
PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thương mại - cho biết, đến nay đã thành lập thí điểm 12 TĐKTNN, trong đó có 9 tập đoàn là chuyển từ tổng công ty nhà nước rồi điều chỉnh thành tập đoàn, có 2 tập đoàn được tổ chức bằng cách gom các DNNN trong cùng lĩnh vực và ra quyết định thành lập, có 1 tập đoàn ra đời từ cổ phần hóa các DN và Nhà nước nắm cổ phần chi phối. 
Tuy nhiên, việc thí điểm lại không nêu rõ mục đích, nhiệm vụ và thời gian thí điểm. “Về mặt pháp lý thì “thí điểm” như vậy cũng không rõ ràng, chỉ là cách lách luật để thành lập bằng được một số lớn TĐKTNN trong một thời gian ngắn. Do điều kiện pháp lý đó nên các TĐKTNN hoạt động trong bối cảnh thiếu hành lang pháp lý” - ông Nam thẳng thắn.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đã sai lầm ngay từ đầu khi thí điểm tập đoàn mà không có khung pháp lý. Trong khi đó, cơ chế nhân sự hoàn toàn khép kín, mọi bổ nhiệm nhân sự không có quy trình, không có tiêu chuẩn. “Điển hình là nhân sự lãnh đạo Tập đoàn Vinashin vừa qua. Không những thế, các tập đoàn gắn với độc quyền, song kiểm soát độc quyền bằng không dù có Luật Cạnh tranh. Chúng ta cho cơ chế nhân sự như thế lại gắn với độc quyền nên không hư hỏng mới lạ. Tôi có một sự hoài nghi lành mạnh về sức mạnh “quả đấm thép” của nền kinh tế này” - ông Doanh chia sẻ.
Phân tích những “kẽ hở” của pháp luật quy định về TĐKTNN, GS.TS Lê Hồng Hạnh chỉ ra sự thiếu minh bạch về địa vị pháp lý của TĐKTNN. Theo Nghị định 153/2004/NĐ-CP thì tập đoàn không có tư cách pháp nhân nên đương nhiên không có vốn điều lệ. Trong thực tế, nhiều quyết định thành lập tập đoàn cũng như điều lệ TĐKTNN của Việt Nam lại ghi rõ vốn điều lệ. Vốn điều lệ phải được gắn với một chủ thể cụ thể, có tư cách pháp nhân vì đó là nền tảng tài chính cơ bản của nó. Các quy định này khiến cho tập đoàn được nhìn nhận như một tổ chức có tư cách pháp nhân... 
Cần có khung pháp lý về tập đoàn
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ thì bổ sung, hiện nay không có ai là chủ của DNNN ở Việt Nam nên chẳng có ai chịu trách nhiệm chính về DNNN, “cha chung không ai khóc”. Vì vậy, theo ông Huệ, phải có một cơ quan chịu trách nhiệm trước nhân dân về DNNN, “không thể để DNNN cứ lấy tài nguyên, tiền của nhân dân đi kinh doanh không hiệu quả rồi cũng chẳng sao”.
Còn chuyên gia Lê Đăng Doanh kiến nghị phải sớm có khung pháp lý về tập đoàn, về mô hình công ty mẹ - công ty con; đồng thời phải giám sát chặt chẽ 3 lĩnh vực là đầu  tư chứng khoán, bất động sản, ngân hàng cũng như xây dựng cơ chế nhân sự rõ ràng, công khai, minh bạch. “Chúng ta chưa có tập đoàn dân tộc nào, nên tôi thấy rất cần và hết sức ủng hộ thành lập TĐKT, nhưng quan trọng phải có khung pháp lý phù hợp” - ông Doanh bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Đình Tài (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý DN) đề xuất, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, rất cần thiết phải có một văn bản riêng quy định về những điểm đặc thù nhất của TĐKT mà chưa quy định ở các văn bản pháp luật khác. 
“Hình thức ban hành có thể là một Nghị định của Chính phủ. Điều này cũng phù hợp với những quy định của Luật DN 2005 giao Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động của tập đoàn. Văn bản này nêu những quy định chung về tập đoàn, không phân biệt TĐKTNN hay TĐKT tư nhân” - ông Tài nói. 
Theo đó, văn bản phải nêu định nghĩa về TĐKT, quy định về thể thức thành lập và đăng ký hoạt động của tập đoàn, xác lập hành lang pháp lý để các công ty thành viên trong tập đoàn được quyền thỏa thuận hợp tác, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau...

Đọc thêm