Tìm cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 7 tháng qua vẫn tăng trưởng nhưng mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây (ngoại trừ giai đoạn ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19). Do đó, thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong giai đoạn cuối năm được coi là vấn đề quan trọng để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.
Các chương trình khuyến mại cần tập trung, hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa: PV).
Các chương trình khuyến mại cần tập trung, hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa: PV).

Khó khăn về đầu ra là vấn đề lớn nhất

Theo báo cáo về sản xuất thương mại và công nghiệp tháng 7 của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ nhờ đóng góp tích cực của ngành Du lịch. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%).

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 4,3%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; may mặc tăng 9,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 3,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,2%. Trong 7 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng so với cùng kỳ năm trước như Quảng Ninh tăng 10,2%; Đà Nẵng tăng 7,8%; Cần Thơ tăng 7,6%; Hà Nội tăng 6,6%; TP Hồ Chí Minh tăng 6,3%.

Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung, thị trường trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, có xu hướng tăng dần từ đầu năm đến nay; mặt bằng giá cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2024 tăng thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm gần đây (không tính giai đoạn 2020 - 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19) và thấp hơn so với mục tiêu đặt ra trong năm 2024 là 9%.

Trong các khảo sát về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp được công bố gần đây cũng cho thấy, khó khăn về đầu ra đang đứng đầu trong số các khó khăn của doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc tiêu dùng trong nước đang gặp nhiều thách thức khi người dân vẫn đang có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đáng chú ý, báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm do nhiều nguyên nhân, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng xã hội. Tính chung trong cả giai đoạn 2021 - 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành Công Thương đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13 - 13,5% năm).

Cần có chiến dịch kích cầu hiệu quả hơn

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, do vậy, để tiếp tục thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới, cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng.

Trong đó, cần phải kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách, thiết thực và cụ thể trong trước mắt và trung hạn để kích thích tiêu dùng xã hội, qua đó gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước, phục hồi và nâng cao tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội; Từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhận định về thị trường tiêu dùng giai đoạn cuối năm, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động thương mại trong nước sẽ tăng trưởng khá nhưng phải đối mặt với sức ép tăng giá trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, mặc dù Nghị định về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực từ 1/8/2024 nhưng cũng chưa thể tác động đến hạ tầng thương mại. Điều này khiến cho các loại hình truyền thống như chợ chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó, hiện nay, hàng hóa lưu thông qua chợ vẫn chiếm đến 70%. Do đó, nhiều khả năng, tăng trưởng tiêu dùng nội địa sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.

Một nguyên nhân khác cũng khiến cho tiêu dùng nội địa không tăng trưởng mạnh là “các chương trình khuyến mãi được tổ chức tại các địa phương hiện đang được triển khai khá nhiều và thời gian dài”. Do đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối lớn cho rằng, các chương trình khuyến mại là cần thiết nhưng thời gian cần được rút ngắn, tập trung, tránh dàn trải để mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn cuối năm, lượng hàng hóa cung ứng sẽ tăng nhiều hơn, do đó, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối cung- cầu, quy mô lớn ở cả 3 miền, các hội chợ vùng miền để tạo điều kiện cho các nhà cung ứng, nhà sản xuất của địa phương; các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận, gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, thúc đẩy liên kết trực tiếp giữa các địa phương, để từ đó có thể tiêu thụ, hợp tác kinh doanh cùng nhau với chi phí ưu đãi nhất. Qua đó, sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi thiết thực cho người tiêu dùng, thúc đẩy lượng tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Đọc thêm