Tận dụng khai thác các cửa khẩu
Thời gian gần đây, giao thương qua cửa khẩu Móng Cái đang được các bộ, ngành quan tâm. Theo đánh giá của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) là một khu vực thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, đứng thứ 3 trong số các tỉnh, thành của Trung Quốc. Do đó, việc tận dụng cặp cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây) cần phải được đề cập nhiều hơn đến cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Một số hiệp hội khác cũng cho rằng, cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc chưa được khai thác triệt để. Thông thường, DN Việt vẫn hay sử dụng cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để đưa hàng hóa sang Trung Quốc mà chưa thật sự quan tâm đến một số cửa ngõ khác như Lào Cai - Hà Khẩu hoặc cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Do đó, cần phải tác động tích cực đến thói quen của DN Việt cũng như khơi thông khu vực cửa khẩu này.
Để hiện thực hóa tiềm năng khai thác cửa khẩu biên giới với khu vực Vân Nam (qua cửa khẩu Móng Cái), trong một cuộc làm việc với Sở Thương mại Vân Nam (Trung Quốc), đại diện Bộ Công Thương đã kiến nghị trước mắt giữa tỉnh Vân Nam và Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) thuộc Bộ cần tổ chức đoàn XTTM luân phiên vào giữa năm và cuối năm ở Hà Nội và Côn Minh. Ngoài ra, hai bên khuyến khích và tích cực tổ chức doanh nghiệp tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín được tổ chức tại mỗi bên để hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối, giao thương.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã làm việc tại tỉnh Lào Cai để tìm phương thức đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua khu vực cửa khẩu của tỉnh này. Theo UBND tỉnh Lào Cai, hiện có một số khó khăn tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa như ngoài Lệnh 248 và 249 về đăng ký và kiểm tra doanh nghiệp thì hiện nay, cửa khẩu phía bạn tổ chức thực thi rất nghiêm ngặt nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu; Nâng tỷ lệ kiểm tra thông quan đối với trái cây nhập khẩu chưa ký Nghị định thư…
Do đó, UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ quan tâm, hỗ trợ trong các công tác liên quan thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc đẩy nhanh hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc; Đẩy mạnh ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với các loại nông sản, trái cây của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tăng cường thiết lập hạ tầng logistics
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện nay hạ tầng logistics giữa Việt Nam và Trung Quốc còn dư địa phát triển khá lớn nên cần khuyến khích DN hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hải sản, nông sản xuất khẩu qua biên giới, bao gồm vận tải đa phương thức đường bộ, đường sắt, đường hàng không tại Việt Nam.
Trong Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt - Trung cũng đưa ra biện pháp 2 bên cần phối hợp thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương liên quan của hai nước tăng cường hợp tác, đẩy nhanh việc xây dựng kết nối cơ sở hạ tầng giao thông giữa hai nước; thúc đẩy mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới có điều kiện phù hợp.
Một Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng đã đề cập đến việc thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và kết nối giữa các cửa khẩu và các khu chợ biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) nhằm đảm bảo cho hoạt động thương mại và thông quan giữa hai nước được duy trì thông suốt, thuận lợi, nhằm tăng hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 bên.
Đáng chú ý, Bản ghi nhớ này đưa ra các dự án cụ thể để 2 bên phối hợp thúc đẩy tăng cường hợp tác, kết nối đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Trong đó có công trình cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực Bát Xát (Lào Cai, Việt Nam) - Bá Sái (Vân Nam, Trung Quốc); phương án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), dự án cầu đa năng thuộc khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc), công trình giao thông qua biên giới thuộc cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc).
UBND tỉnh Lào Cai cũng đề xuất, cần xem xét nghiên cứu tăng cường đẩy mạnh công tác đàm phán, thiết lập 2 cặp cửa khẩu song phương Bản Vược - Bá Sái và Mường Khương - Kiều Đầu; Đẩy mạnh công tác trao đổi, đàm phán, thống nhất chủ trương xây dựng đường sắt kết nối giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc; Trao đổi, thống nhất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu thành cửa khẩu chỉ định được phép nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương “mách nước”, tỉnh Lào Cai cần nghiên cứu, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích DN logistics đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, phát triển logistics trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư, thương mại, dịch vụ; Từ đó khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu sau dịch COVID-19, nâng cao giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cũng đồng thời làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam qua thị trường tỷ dân.