Tìm được mộ anh sau 36 năm nhờ những giấc mơ chập chờn

(PLO) - Sau giấc mơ kỳ lạ, ông Hà Quang Hinh quyết tâm lên đường tìm hài cốt của anh trai là liệt sĩ Hà Tất Thế. Thật bất ngờ, khi đặt chân tới vùng đất Quảng Ngãi đầy nắng và gió, ông nhận ra những hình ảnh thật đã gặp trong những giấc mơ chập chờn. 

Nghĩa trang Hành Thịnh, một trong những địa điểm xuất hiện trong giấc mơ của ông Hinh trong hành trình tìm kiếm hài cốt anh trai liệt sĩ. Ảnh: TM
Nghĩa trang Hành Thịnh, một trong những địa điểm xuất hiện trong giấc mơ của ông Hinh trong hành trình tìm kiếm hài cốt anh trai liệt sĩ. Ảnh: TM
Câu chuyện tìm được phần mộ anh trai của ông Hà Quang Hinh trú tại phường Phú Khánh, TP. Thái Bình khá ly kỳ. Ông Hinh bộc bạch: “Nhiều người không tin, nhưng các anh cứ nhìn vào kết quả giám định ADN từ Viện Công nghệ sinh học, thì các anh có thể trả lời cho độc giả biết được giấc mơ của tôi chính xác như thế nào” - vừa nói ông Hinh vừa lục đục mang ra một giấy chứng nhận xét nghiệm ADN được ông ép plastic và cất giữ rất trân trọng.
Ông Hà Quang Hinh, người có những giấc mơ lạ về “điềm báo” ngôi mộ của anh trai.
Ông Hà Quang Hinh, người có những giấc mơ lạ về “điềm báo” 
ngôi mộ của anh trai.
Giấc mơ kỳ lạ sau 36 năm nhận giấy báo tử
Anh trai ông, liệt sĩ là Hà Tất Thế (sinh năm 1951), tham gia nhập ngũ tháng 3 năm 1969,  hy sinh ngày 21/4/1971, khi chiến đấu tại Lữ đoàn C2, D83, thuộc Quân khu 5, đóng quân tại tỉnh Quảng Ngãi. Khi nhận được giấy báo tử, mặc dù bố mẹ và các anh chị em khác vẫn còn nhưng ông Hinh vẫn xin với gia đình cho phép ông được thờ cúng anh mình. Ông Hinh lý giải, giữa ông với liệt sĩ Thế có một thứ tình cảm đặc biệt, ngay từ những ngày còn cởi truồng tắm mưa. 
“Anh ấy hơn tôi hai tuổi, nhưng lại luôn chiều chuộng và nhường nhịn cho tôi tất cả những gì anh có. Có những ngày trời rét căm căm, hai anh em đi học phải mặc chung một bộ quần áo, vì ngày đó nhà tôi còn nghèo lắm. Người này đi học về là cởi quần áo đưa cho người khác mặc ngay. Trong cái rét cắt da cắt thịt, tôi chỉ biết cười khi nhìn thấy anh đứng run lập cập” - ông Hinh kể lại.
Suốt 36 năm, kể từ ngày nhận giấy báo tử trong gia đình không có một ai nằm mơ thấy điều lạ lùng nào cả. Chỉ đến năm 2005, ông Hình gặp một giấc mơ đặc biệt. “Tôi nhìn thấy anh trai của mình. Mừng vui không xiết, tôi định chạy lại gần, nhưng cứ chạy, chạy mãi mà tôi không thể nào đến gần anh được. Nghĩ là anh còn sống, tôi bất chợt hỏi anh: “Thế còn sống sao anh lại không về quê? Sao quần áo đóng thùng, giày mũ nhọn gọn gàng thế mà xanh tuya rông (dây thắt lưng của bộ đội để gắn thêm vật dụng quân sự) của anh ở đâu không thắt?” 
Tôi nói tiếp: “Ở nhà, người ta đã báo tử anh rồi, bố mẹ đang được hưởng chế độ lương liệt sĩ của anh đấy, giờ biết anh còn sống, thế nào Nhà nước cũng cắt chế độ. Nhưng kệ, em cứ báo với bố mẹ là anh còn sống cho họ mừng...” - giọng ông Hinh đầy xúc động khi nhớ lại giấc mơ hôm ấy.
Di ảnh liệt sĩ Hà Tất Thế.
Di ảnh liệt sĩ Hà Tất Thế. 
Anh trai ông không có bất kỳ một phản ứng hay hành động nào cả. Chỉ đến khi ông Hinh hỏi câu cuối cùng, liệt sĩ Thế chỉ lại nơi mình đã nằm xuống cho em trai rồi biến mất. “Tôi quay qua hỏi anh, vậy anh đã có vợ con gì hay chưa? Nhà ở đâu? Anh không trả lời mà chỉ quay đầu nhìn sang phía bên phải. Thấy lạ, tôi cũng nhìn theo thì thấy phía bên đó có một quả đồi thấp, phía dưới quả đồi là một khu ruộng trũng, chỉ có hai người đang đi bừa cùng với hai con trâu.
Mà địa điểm tôi gặp anh trong mơ, nó là một cái ngã ba nhỏ nhưng vắng vẻ lắm. Tôi choàng tỉnh dậy, mọi thứ lại tan biến hết. Thế nhưng, những chi tiết cụ thể trong giấc mơ hôm đó tôi nhớ lắm, rõ lắm, từng chi tiết dù là nhỏ nhất”.
Khắc khoải về sợi dây xanh tuya rông
Đối với ông Hinh, từ trước tới nay chẳng mấy khi ông tin vào chuyện ma quỷ, việc thờ cúng chỉ là tình nghĩa, là ân tình của người còn sống dành cho những người đã khuất. Thế nhưng, sau giấc mơ kỳ lạ, ông Hinh quay cuồng như nửa tỉnh nửa mê, suy nghĩ về giấc mơ thậm chí còn bỏ cả ăn. Nhiều lúc ngồi thừ ra như kẻ mất hồn. 
Nhớ lại câu chuyện trong giấc mơ, ông Hinh lắp ghép từng chi tiết, từng cảnh vật. Rồi bất ngờ ông reo lên, chi tiết kỳ lạ trong giấc mơ trùng khớp với những ký ức mà ông đã từng trải qua là chiếc xanh tuya rông. “Bởi ngày anh còn huấn luyện ở Quảng Ninh. Anh Thế được về phép thăm nhà, trước ngày trở lại đơn vị, anh đã cởi chiếc xanh tuya rông tặng lại cho tôi rồi bảo: Giữ lấy làm kỷ niệm. Kỷ vật anh tặng giờ không còn nữa, nhưng nhờ nó đã tạo cho tôi một niềm tin; chắc chắn mình sẽ tìm ra được anh”.
Quyết định theo dấu giấc mơ 
Sau nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, ông Hinh quyết đi tìm hài cốt người anh trai. Khi quyết định lên đường tìm hài cốt của liệt sĩ Thế, lúc ấy, trong thâm tâm ông Hinh nghĩ rằng: dù có tìm được hay không tìm được, thì đó cũng là cái tình, cái nghĩa cuối cùng mà ông Hinh và gia đình mình phải làm với liệt sĩ Thế. 
Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu như thế nào? Đó là điều trăn trở nhất. Ông Hinh chia sẻ: “Cả gia đình chỉ biết rằng, anh Thế hy sinh tại mặt trận Quảng Ngãi, còn hi sinh ở đâu, mặt trận nào thì không nắm được. Vì thế, trước khi lên đường tìm kiếm, tôi đã tìm những người là đồng đội trong đơn vị của anh ấy. Họ đã cho tôi biết, anh Thế hy sinh ở địa bàn huyện Mộ Đức hay Nghĩa Hành gì đó. Chỉ cần có vậy, tôi quyết định cùng với người cháu trai của mình khăn gói lên đường, bắt đầu hành trình tìm kiếm hài cốt anh mình”. 
(Còn tiếp)