Tham dự Hội thảo có ông Axel Blaschke, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, GS Jurgen Simon cùng các chuyên gia, nhà khoa học của CHLB Đức và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích và đánh gía bối cảnh của đại dịch COVID-19 và những tác động đến mọi mặt đời sống Kinh tế - Xã hội và hệ thống pháp luật của Đức và Việt Nam. Trong tương quan nghiên cứu pháp luật phòng chống dịch bệnh của hai quốc gia, hội thảo nhằm so sánh, đối chiếu pháp luật của Đức và pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn ứng phó của nhà nước đối với những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra, từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm Đức.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Vũ Thị Lan Anh. |
Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh cũng bày tỏ mong muốn đây sẽ là diễn đàn trao đổi cho các chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu viên, người hoạt động thực tiễn và sinh viên về những vấn đề pháp lý đặt ra trong bối cảnh COVID-19, qua đó có thêm bài học kinh nghiệm về xây dựng, thực thi pháp luật trong tình huống khẩn cấp.
Ông Axel Blaschke, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam. |
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề như việc làm, an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kinh nghiệm của CHLB Đức về pháp luật phòng chống COVID-19 trong bảo vệ quyền của người lao động, pháp luật doanh nghiệp…
Đến 19/10, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến “sức khoẻ” doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả điều tra khảo sát do VCCI thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3.000 doanh nghiệp, cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ "hoàn toàn tiêu cực" và "phần lớn là tiêu cực", tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020.
Trong đó, khoảng 60% doanh nghiệp cho biết tác động của COVID-19 "phần lớn là tiêu cực" và 34% doanh nghiệp nhận định COVID-19 tác động "hoàn toàn tiêu cực" (gấp đôi so với mức 15% của năm 2020). Chỉ có khoảng 4% cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho biết đại dịch có tác động tích cực mang lại cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển. Về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh.
Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có xấp xỉ 9 doanh nghiệp chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, có 96% doanh nghiệp gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền hay đứt gãy chuỗi cung ứng. Khôi phục sản xuất, doanh nghiệp còn phải đối diện khó khăn nội tại đó là không có tiền để duy trì hoạt động sản xuất. Thống kê có tới 46% doanh nghiệp chỉ còn tiền để sản xuất trong 1 tới 3 tháng tới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ tài khóa, gói chính sách tiền tệ, tín dụng, gói hỗ trợ an sinh.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có việc triển khai các hoạt động của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong 9 tháng của năm 2021. Hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích phải tạm dừng. Các hoạt động văn hóa đối ngoại, giao lưu hợp tác văn hóa, bảo tàng, triển lãm trong nước gần như "đóng băng". Điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn COVID-19 bị thiệt hại nặng nề.
Tổng doanh thu ngành điện ảnh 2021 giảm 70-80% so với năm 2019, trong đó doanh số ước đạt 1.156 tỷ đồng. Thị trường nghệ thuật trong tình trạng ảm đạm. Đội ngũ nghệ sĩ gần như không thể hoạt động nghệ thuật biểu diễn, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Ở lĩnh vực du lịch, dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi tăng trưởng mỗi năm, trong đó 8 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa giảm 5,5%; tổng thu từ khách du lịch giảm 26,5%... so với cùng kỳ năm 2020.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"