Tìm giải pháp để bảo vệ bền vững bờ biển Hội An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông qua hội thảo “Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An”, Quảng Nam kỳ vọng các chuyên gia sẽ đưa ra các giải pháp gia tăng khả năng bảo vệ bờ biển Hội An và tái tạo các bãi biển tại đây, đóng góp chung vào sự phát triển bền vững của cả khu vực miền Trung.
Dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" được kỳ vọng sẽ là giải pháp bền vững, bảo vệ bờ biển Cửa Đại, Hội An.
Dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" được kỳ vọng sẽ là giải pháp bền vững, bảo vệ bờ biển Cửa Đại, Hội An.

Ngày 9/9, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đồng tổ chức hội thảo “Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An”.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án "Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam" được đồng tài trợ thông qua khoản vay của AFD và hỗ trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu từ Quỹ Quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên (WARM Facility).

Các nhà nghiên cứu, chuyên gia thảo luận, tìm giải pháp bảo vệ bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) tại hội thảo.

Các nhà nghiên cứu, chuyên gia thảo luận, tìm giải pháp bảo vệ bờ biển Cửa Đại (TP Hội An) tại hội thảo.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu đã khiến vấn đề xói lở bờ biển tại tỉnh Quảng Nam diễn ra ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, tại khu vực biển Cửa Đại (TP Hội An) diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng môi trường, thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và ngành du lịch.

Theo một báo cáo công bố ngày 25/4/2022 cho thấy, bờ biển Cửa Đại đã có tới 112 ha diện tích đất bị mất do xói lở (số liệu ghi nhận trong 5 năm từ năm 2016 đến năm 2022). Tình trạng xói lở này có xu hướng ngày càng gia tăng.

Cụ thể, năm 2021, 78% chiều dài của 24km đường bờ biển Cửa Đại trong tình trạng xói lở, so với 36% năm 2016.

Xói lở bờ biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cư dân cũng như các doanh nghiệp khách sạn lớn, nhà hàng ven biển, các đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu du lịch... Vấn đề này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế của Hội An.

Trước tình hình cấp thiết về bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp công trình khắc phục tỉnh trạng xói lở, bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nên mới chỉ triển khai thực hiện được khoảng 1,7km / 6km bờ biển cần được bảo vệ.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hội thảo là dịp để địa phương chia sẻ với các bên liên quan ở Hội An các thông tin về xói lở bờ biển Hội An trong quá khứ, hiện tại và tương lai, các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động được đề xuất triển khai, cùng các hành động sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn và dài hạn thông qua dự án do AFD tài trợ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội thảo.

“Thông qua hội thảo, các bên liên quan sẽ nắm bắt được các kết quả nghiên cứu của đơn vị tư vấn, của các chuyên gia, các khuyến nghị về công tác chống xói lở bờ biển Hội An, để cùng với tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An khắc phục tình trạng xói lở bờ biển và khôi phục lại bãi biển Hội An”, ông Bửu nói.

Thông tin tại hội thảo, Giám đốc Ban Quản lý các nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Võ Văn Điềm chia sẻ, dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An có tổng mức đầu tư của dự án này là 42 triệu euro, trong đó có khoản vay 35 triệu euro từ AFD, 2 triệu euro viện trợ không hoàn lại từ Liên minh châu Âu và 5 triệu euro sử dụng vốn đối ứng của địa phương. Các bên liên quan đang hoàn thiện thủ tục đàm phán, dự kiến sẽ tiến hành đàm phán, ký hiệp định vào cuối năm nay để triển khai.

Khu vực biển Cửa Đại vẫn đang đối diện với nỗi lo sạt lở.

Khu vực biển Cửa Đại vẫn đang đối diện với nỗi lo sạt lở.

Ông Denis Vasseur - Trưởng nhóm Dự án tại AFD cũng cho hay, dự án lần này kỳ vọng sẽ đem tới cách tiếp cận mới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mà cụ thể là ứng phó với xói lở tại bờ biển Quảng Nam. Cụ thể ở đây là giải pháp nuôi bãi hy sinh hằng năm sẽ giúp khôi phục bãi biển tự nhiên; đảm bảo an toàn và tài sản; cũng như sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp địa phương.