Tìm giải pháp giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị tại phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội mới đây.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ

Theo Bộ GD&ĐT, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên (GV) ở một số môn học, cấp học và một số địa phương. Tại thời điểm tháng 5/2021, căn cứ quy định về định mức số GV/lớp, thì ngành Giáo dục thừa 10.178 (5.175 GV tiểu học, 4.688 GV THCS, 315 GV THPT); thiếu 94.714 GV (48.718 GV mầm non, 20.210 GV tiểu học, 14.653 GV THCS, 11.133 GV THPT).

Nguyên nhân của việc thừa GV là do việc bố trí, điều động, phân công GV chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương (đặc biệt là ở cấp huyện); chưa giải quyết tốt vấn đề sắp xếp, điều chuyển GV khi dồn dịch, sáp nhập trường lớp dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ…

Ngoài ra, còn do tăng quy mô dân số; các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế mà quy mô học sinh tăng; phối hợp chưa thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan và ngành Giáo dục ở một số địa phương trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp GV.

Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết sẽ trình Thủ tướng xem xét, bổ sung khoảng 94.000 biên chế GV mầm non, phổ thông; phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức GV/lớp cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.

Đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông…

Trong bối cảnh các địa phương vừa phải giải quyết việc thiếu GV, vừa phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có ý kiến với Chính phủ để có phương án tinh giản biên chế phù hợp đối với ngành Giáo dục; không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học vì chưa bố trí đủ GV theo định mức.

Cho rằng cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, Bộ GD&ĐT đề nghị cần quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp; các địa phương theo phân cấp cần chủ động điều tiết GV ngay trong địa phương phù hợp với vùng miền, bậc học; tăng cường chuyển đổi số, mở rộng hệ thống bài giảng điện tử; đẩy mạnh xã hội hóa ở những nơi có điều kiện...

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD&ĐT sớm xây dựng và hoàn thiện chiến lược giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và trên nền tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đổi mới tư duy và phát triển giáo dục đào tạo trong tình hình mới; chủ động để chuẩn bị về xây dựng đội ngũ GV, các hoạt động liên quan đến giáo dục đào tạo...

Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát lại quy mô mạng lưới trường lớp hệ thống phổ thông và mầm non trên cả nước để tính toán, sắp xếp lại quy mô cho phù hợp theo hướng gọn đầu mối; tập trung rà soát lại các quy định hiện hành liên quan đến định mức học sinh trên lớp, định mức GV trên lớp, quán triệt tinh thần quy định phải phù hợp với từng vùng; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở những nơi có điều kiện...

Theo Bộ GD&ĐT, các quy định của pháp luật về đội ngũ nhà giáo được đề cập tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, dẫn tới khó khăn cho đội ngũ nhà giáo trong việc tra cứu và áp dụng văn bản pháp luật và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Một số nội dung đặc thù của đội ngũ nhà giáo nhưng chưa được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật hoặc quy định chưa đầy đủ, hoặc khi phải áp dụng chung với viên chức các ngành, lĩnh vực khác nên chưa phù hợp. Việc khảo sát, đánh giá, xây dựng chính sách để quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn…

Đọc thêm