Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp TP. HCM

(PLVN) -Chiều ngày 17/3, đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp TP HCM. Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ và Sở Tư pháp TP HCM đã có những trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại qua đó cùng tìm giải pháp tháo gỡ…
Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp TP. HCM

Phát biểu tại đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá năm 2021 là một năm khó khăn chung với đất nước, trong đó có cả ngành tư pháp nói riêng vì dịch bệnh bùng phát phức tạp. Bước qua năm 2022 mặc dù dịch bệnh vẫn còn nhưng chúng ta phải thích ứng linh hoạt trước bối cảnh mới…

Trong quý 1/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức các đoàn công tác làm việc với các Sở Tư pháp địa phương để nghe kế hoạch triển khai công tác, những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại từ đầu năm 2022 đến nay hoặc những tồn tại từ trước đó nhằm cố gắng hỗ trợ, tháo gỡ cho công tác tư pháp tại địa phương… đây cũng là mục đích của buổi làm việc với Sở Tư pháp TP HCM.

Tại buổi làm việc, Sở Tư pháp TP HCM đã có báo cáo hoạt động trong quý 1/2022, theo đó từ đầu năm Sở Tư pháp đã và đang triển khai đồng bộ các chương trình công tác theo kế hoạch. Ngoài việc góp ý thẩm định văn bản thì thời gian qua, Sở Tư pháp TP HCM cũng tham gia vào xây dựng những chính sách đặc thù cho công tác phòng chống dịch Covid-19, các chế độ chính sách cho doanh nghiệp, người lao động…

Sở đang có kế hoạch tham mưu, xác định lĩnh vực trọng tâm của năm 2022 trên toàn thành phố đó là việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 và biệt lập quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường…

Tuy nhiên, trước bối cảnh mới Sở Tư pháp TP HCM cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là các vấn đề pháp lý phát sinh do dịch Covid-19 cần phải rà soát, sửa đổi nhằm thích ứng với tình hình mới…

Theo Lãnh đạo Sở Tư pháp TP HCM việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, vai trò của trọng tài thương mại chưa có cơ chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án, Bộ Tư pháp để hỗ trợ hoạt động trọng tài thương mại, hòa giải thương mại còn thiếu kinh nghiệm, ngoại ngữ hạn chế… Hiện nay, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu về vi bằng được giao cho các địa phương thực hiện, mỗi địa phương sẽ xây dựng hệ thống kỹ thuật khác nhau nên sau này rất khó khăn cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về vi bằng trong phạm vi cả nước.

Ngoài ra Sở Tư pháp nhận được phản ánh của các đơn vị về một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chứng thực có liên quan đến tổ chức hành nghề công chứng, tình trạng sử dụng giấy tờ giả mạo khi tham gia công chứng hợp đồng, giao dịch đang là một vấn đề ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, đòi hỏi sự vào cuộc xử lý của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên trong đoàn công tác và các thành viên Sở Tư pháp TP HCM đã tiến hành trao đổi, tháo gỡ nhiều vấn đề liên quan đến ngành Tư pháp mà TP HCM đang vướng mắc.

Thứ trưởng Mai Lương đánh giá cao Sở Tư pháp TP HCM chỉ trong thời gian ngắn đã có những báo cáo đầy đủ về việc triển khai công tác tư pháp quý 1/2022 đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị mà Sở đã nêu…

Bước qua năm 2022 trong bối cảnh mới có nhiều thách thức cho kinh tế xã hội của đất nước nói chung, TP HCM nói riêng cho cả công tác tư pháp toàn quốc cũng như TP HCM… Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Tư pháp TP. cần phải thích ứng linh hoạt.

Sở Tư pháp cần phát huy hơn nữa vai trò của mình; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, quản lý đấu giá tài sản, công chứng… Chủ động tìm tòi, áp dụng những cách làm hay, hiệu quả để xem xét nhân rộng.

Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác, Sở Tư pháp TP HCM cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao phó và xác định năm 2022 sẽ tiếp tục phát huy, đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra.

Đọc thêm