Tìm hiểu giá trị của Luật Hồng Đức dưới góc nhìn đương đại

(PLO) - Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nhân dịp Kỷ niệm 520 năm ngày mất của Vua Lê Thánh Tông (30 tháng Giêng năm 1497 - 30 tháng Giêng năm 2017), ngày 4/3/2017 Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: “Cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông - Những giá trị lịch sử và đương đại”.
Năm 2007, Nhà Xuất bản Tư pháp từng cho ra mắt cuốn sách “Lê Thánh Tông, vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại”.
Năm 2007, Nhà Xuất bản Tư pháp từng cho ra mắt cuốn sách “Lê Thánh Tông, vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại”.

Theo Bộ Tư pháp, Hội thảo được tổ chức nhằm làm sáng tỏ những thành tựu trong cải cách pháp luật, cải cách hành chính và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông, trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm để vận dụng trong thực tiễn cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng bộ máy nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo sẽ làm rõ thành tựu trong cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư phápvà xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông gắn với thực tiễn cải cách ở nước ta hiện nay. Huy động sự tham gia và phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học về pháp luật và lịch sử.

Hội thảo tập trung thảo luận vào 3 vấn đề: Những tư tưởng về cải cách của Vua Lê Thánh Tông; Những tư tưởng lớn trong lĩnh vực pháp lý; Những tư tưởng trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.

Hội thảo gồm 16 chuyên đề, gồm: Khái quát thân thế và sự nghiệp của Vua Lê Thánh Tông; Bàn về tư tưởng đức trị và pháp trị trong đạo trị quốc an dân của Vua Lê Thánh Tông và bài học kinh nghiệm cho công việc quản trị quốc gia hiện nay; khái quát những thành tựu trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông và những bài học kinh nghiệm trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước ở Việt Nam hiện nay; Quốc triều hình luật trong dòng chảy văn hóa pháp lý Việt Nam; Quốc triều hình luật - Một mẫu mực về kỹ thuật lập pháp trong thời kỳ phong kiến Việt Nam và bài học cho công tác pháp điển hóa, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp ở nước ta hiện nay; Quy định về tội phạm và hình phạt trong Quốc triều hình luật từ góc nhìn đương đại; Quy định về dân sự, hôn nhân, gia đình trong Quốc triều hình luật từ góc nhìn đương đại; Vua Lê Thánh Tông với việc giải quyết mối quan hệ giữa pháp luật với phong tục, tập quán; Kinh nghiệm cải cách pháp luật tố tụng dưới triều Vua Lê Thánh Tông - giá trị lịch sử và đương đại...

Hội thảo còn có các chuyên đề: Kinh nghiệm thiết kế bộ máy hành chính nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông và những bài học cho việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hiện nay ở Việt Nam; Vấn đề đào tạo, sử dụng quan, lại dưới triều Vua Lê Thánh Tông và vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam; Kinh nghiệm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương công vụ dưới triều Vua Lê Thánh Tông và những bài học cho việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ hiện nay ở Việt Nam; phòng, chống tham nhũng dưới triều Vua Lê Thánh Tông và những bài học cho công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay; kinh nghiệm bồi dưỡng hiền tài của Vua Lê Thánh Tông và những bài học đối với công tác giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam; kinh nghiệm xây dựng bộ máy nhà nước dưới triều Vua Lê Thánh Tông và những bài học kinh nghiệm trong công cuộc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh hiện nay ở tỉnh Thanh Hóa; Chính sách trọng dụng nhân tài của Vua Lê Thánh Tông.

Triều Vua Lê Thánh Tông gắn với niên hiệu Quang Thuận (1460- 1469) và Hồng Đức (1470-1497) là triều đại mà nhờ những nỗ lực cải cách quản trị quốc gia, Vua Lê Thánh Tông đã xây dựng nước Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục đến quân sự, trở thành một cường quốc trong khu vực. Thành tựu đặc sắc của thời kỳ này phải kể đến những thành công trong công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước để quản lý thống nhất quốc gia. Quốc triều hình luật hay còn được gọi là Bộ luật Hồng Đức (được biên soạn năm 1483), Bộ luật nổi tiếng về tính nhân văn, nội dung đậm chất dân tộc, một mẫu mực về trình độ, kỹ thuật lập pháp, là một trong những ví dụ điển hình. Nhờ cải cách pháp luật, kỷ cương phép nước được tăng cường, pháp luật thực sự trở thành công cụ hữu hiệu quản lý xã hội, điều hành đất nước được thông suốt, thống nhất.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cho đến tận ngày nay, trong xã hội Việt Nam đương thời, vẫn còn lưu lại những dấu ấn đậm nét về kết quả sự nghiệp cải cách của ông trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều bài học của ông để lại cho hậu thế, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị, có thể ứng dụng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đọc thêm