Chữ “Nhân” ngoài ý nghĩa là người, mở rộng ra, còn chỉ lòng nhân đức.
Lòng yêu thương, tin tưởng vào con người gọi là “nhân đức tín”, “thương người như thể thương thân”. Đồng thời, đề cao phẩm chất giá trị con người: “người ta là hoa đất”, “Một mặt người bằng mười mặt của”.
Người nhân đức còn biết phân biệt thiện – ác, phải trái, đúng sai, nhìn thấy nét tốt đẹp của con người ngay khi con người sa cơ lỡ vận, thậm chí là họ đang mắc phải lỗi lầm. “Người có nhân chẳng bao giờ lấy thịnh suy mà thay đổi tiết tháo” là vì vậy. Người có nhân đức biết sống, hòa nhập cộng đồng, tâm hồn trong sáng, vui tươi, lạc quan, luôn được người khác quý trọng.
Nhân đức phải được thể hiện bằng việc làm “nhân nghĩa”, chỉ ra lối làm ăn, sinh sống cho người hoạn nạn, nhường cơm sẻ áo, thấy nghĩa thì làm, dám hi sinh thân mình để cứu giúp người khác.
Nhân đức là phẩm chất hàng đầu để làm người. Từ các bậc hiền nhân quân tử, anh hùng nghĩa sĩ cho đến dân thường, ai cũng cần phải có nhân đức. Trong “ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) thì nhân được đặt lên hàng đầu.
Cổ nhân dạy “Có nhân nhân mọc, vô nhân nhân trẩm”, có nghĩa là có nhân rồi sẽ gặp người tốt, dù số phận có gặp vất vả, oan trái rồi sẽ có hạnh phúc bù lại.
Nhân dân ta vốn trọng nhân đức. Từ những người dân thường “lá lành đùm lá rách” đến những bậc “trượng phu” lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Tất cả đều ở chữ Nhân.
Với Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân” tức là lo cho nhân dân được bình yên để xây dựng cuộc sống.
Với Lê Thánh Tông: “Trống thôi canh còn đọc sách/ Trăng xế bóng chưa thôi chầu”, ngày đêm canh cánh bên lòng, lo sao cho “Tiếng hát cất lên từ nơi thôn dã”, tức là lo cho nhân dân được thanh bình, ấm no, vui tươi.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ suốt đời chỉ lo đấu tranh giành lại nền độc lập cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân thì: “Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.”
Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, có người biếu Bác cây gậy quý, ghép bằng xương rắn, mỗi đốt đều khắc chữ “Nhân”. Bác nhận, cảm ơn rồi tặng lại cây gậy cho cụ Bùi Bằng Đoàn và dặn: “Mỗi khi gặp khó khăn cụ hãy dùng cây gậy này đỡ tay”. Ý của Bác là: Với lý tưởng chí nhân, ta có thể vượt qua mọi hiểm nguy.
Theo quan điểm của Bác, chữ “Nhân” chính là nhân dân. Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân và Bác cụ thể hóa chữ Nhân: “Nhân là thật thà yêu thương, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào… Không e cực khổ, không sợ oai quyền”. Đồng thời với Bác, yêu dân còn là người biết sống với đồng bào, đồng chí, đồng đội có tình nghĩa.
Trong cơ chế thị trường, chúng ta càng phải đề cao chữ nhân, đề cao giá trị văn hóa – nhân văn. Đồng tiền có thể làm cho người ta giàu lên nhưng chính lòng nhân đức mới làm cho chúng ta sống đẹp đẽ, cao cả và lâu bền với nhau.