Mảnh đất “màu mỡ” …
Web drama (phim chiếu mạng) trở thành một xu thế “nóng” đỉnh điểm vào năm 2018, với những kênh Youtube hay fanpage Facebook có tới hàng triệu người xem và theo dõi như Ghiền mỳ gõ, SVM, Loa Phường hay Tuyết Bít...
Nội dung chính trong các sản phẩm web drama đang làm mưa làm gió trên mạng chủ yếu xoay quanh những mô típ lặp đi lặp lại như: chuyện giường chiếu trong tình yêu, chuyện “thị phi” chốn công sở hay những màn đánh chửi, cờ bạc, hút chích của lớp “anh chị” xã hội. Ngoài ra, có thể thấy những bộ phim chiếu mạng ngày nay đang lợi dụng những yếu tố hài nhảm, hài tục, diễn viên khoe thân thể hoặc ăn mặc gợi cảm hay những tình tiết gượng gạo chủ yếu để đáp ứng đúng mong muốn của người xem để tăng lượt truy cập.
Không thể phủ nhận thời đại 4.0 hầu hết mọi lứa tuổi đều đã và đang sống chung với thế giới công nghệ và nhu cầu giải trí trên internet là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Vì vậy, so với việc phải ra rạp để mua vé xem phim hay chờ đợi hàng giờ đồng hồ để mong ngóng một bộ phim truyền hình chiếu trên tivi thì chỉ cần một vài thao tác gõ từ khóa đơn giản sẽ có hàng loạt các clip, phim ngắn giải trí hài hước hiện ra đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khán giả.
Phim "Vợ ba" bị cấm chiếu rạp nhưng sau đó vẫn tràn lan trên mạng |
Kiếm tiền từ các lượt view, lượt đăng ký theo dõi, phim chiếu mạng không chỉ được biết đến qua các tài khoản YouTube mà còn phủ sóng trên ứng dụng facebook nhờ sự đầu tư mạnh tay cho việc “chạy quảng cáo” của các nhà làm phim “nghiệp dư” thu về lượng doanh thu khủng. Đáng chú ý, khi nhận thấy web drama như một “mỏ views” với lượng khán giả tiếp cận lớn, nhiều nghệ sĩ từ mới mẻ đến tên tuổi tham gia “cuộc đua” này. Có thể kể đến seri phim Ai chết giơ tay, Thập tam muội, Nam Phi liên hoàn kế, Lala school, Bổn cung giá lâm, Thập tứ cô nương … Thành công “dễ dàng” của những bộ phim chiếu mạng ngày càng thu hút nhiều nghệ sĩ Việt quyết tâm tham gia “đường đua” web drama giang hồ, hài tục vốn được cho là... “dễ làm, dễ hưởng”, ví như diễn viên Nam Thư với “Thập tứ cô nương” cũng “ăn theo” xu hướng, thu hút hàng chục triệu lượt xem trên Youtube.
Nhưng bị hạn chế bởi … sự đại trà
Có thể thấy, diễn viên phim truyền hình đến các phim điện ảnh đều là các gương mặt nghệ sĩ kỳ cựu, đào tạo qua trường lớp với khả năng diễn xuất cao để truyền tải nội dung phim mang tính nhân văn tới khán giả. Nhưng đối với web drama, việc sử dụng dàn diễn viên “thượng vàng hạ cám” nhiều tai tiếng dường như được ưa chuộng hơn, như một yếu tố câu view.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng “Bất kỳ một sản phẩm nghệ thuật nào cũng phải có tính nghệ thuật và định hướng thẩm mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có rất nhiều phim chiếu mạng non tính nghệ thuật, thiếu tính thẩm mỹ nhưng lại thừa sự phản cảm, lố bịch. Và lời ngụy biện đầy nhầm lẫn mà các nhà làm phim web drama đưa ra rằng: tạo hình phản cảm, lố lăng ăn mặc hở hang là một sự hy sinh vì nghệ thuật là môt sự xảo trá”.
Trước vấn đề này, diễn viên Thanh Hương - một trong những diễn viên nổi tiếng của phim truyền hình Việt Nam đã thẳng thắn không thừa nhận những “diễn viên nghiệp dư” là đồng nghiệp, cô cho rằng: “việc hở hang, khoe thân, bất chấp đóng cảnh nóng... trên web drama lại là một sự lạm dụng chứ không phải hy sinh vì nghệ thuật. Làm như thế sẽ tác động xấu đến giới trẻ và ảnh hưởng những người làm nghề chân chính”.
Quả thưc, trách nhiệm thuộc về những nhà làm phim “chạy theo lợi nhuận” nhưng cũng phải nhận thấy đây là nhu cầu xã hội. Khi khả năng cảm thụ nghệ thuật của công chúng còn nhiều hạn chế, mọi sự đổ lỗi, cấm đoán trên môi trường mạng là khó khả thi; bởi không ai bắt ép mà chính công chúng lựa chọn xem những văn hóa phẩm độc hại nhân danh nghệ thuật trên mạng xã hội. Gu thẩm mỹ chính là “màng lọc” để người xem phân loại được tác phẩm giàu giá trị nội dung, nghệ thuật với sản phẩm giải trí vô bổ, thậm chí là tục tĩu, phản cảm.
Nhiều cảnh bạo lực rùng rợn vẫn thấy trên phim mạng |
Những nền tảng dịch vụ trực tuyến của nước ngoài như Youtube, Facebook hiên nay đều đang vướng phải những bê bối về mặt kiểm duyệt nội dung độc hại. Web drama vốn là một thể loại có nhiều lợi thế nhưng để web drama thật sự trở thành một hướng đi lành mạnh, tạo cơ hội giúp các nhà làm phim cống hiến những giá trị nghệ thuật đích thực; các cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật và thông tin truyền thông cần có những động thái mạnh mẽ hơn để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung và cách thể hiện của những bộ phim chiếu mạng hiện nay.
Nhìn chung, loại hình web drama hiện nay đang “trôi nổi” trên môi trường mạng đề cao tính giải trí, thay vì chất lượng, thông điệp. Mặc dù thu hút đông đảo lượt xem và kiếm về nguồn doanh thu “khủng”, nhưng tình trạng “đại trà hóa” những nội dung phim tương tự của các kênh phim drama đang đứng trước phản ứng “ngó lơ” của khán giả. Dẫu biết rằng, phim ảnh luôn mang cả tính nghệ thuật và tính giải trí. Nhưng nếu một bộ phim chỉ có tính giải trí thì số phận của những web drama này cũng dễ rơi vào thảm cảnh “sớm nở tối tàn”, tức là dễ nổi lên mà cũng dễ trôi đi trong trí nhớ của khán giả, theo quá trình “đào thải” đầy khắc nghiệt của giới giải trí.