Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hiện đã ở tuổi 81. Ông sinh ngày 26/3/1935; năm 1958, tốt nghiệp cử nhân luật tại Trường Đại học Damas; năm 1982 tốt nghiệp tiến sĩ ngành lịch sử tại Học viện Đông phương Moscow.
Từ năm 1964, ông Mahmoud Abbas là thành viên Ủy ban Trung ương Fatah; từ năm 1979 là Chủ tịch Uỷ ban hỗn hợp Palestine - Jordani; giai đoạn 1984 - 2000 là Trưởng ban Quan hệ Dân tộc và Quốc tế của Tổ chức Giải phóng Palestine. Giai đoạn 1994 - 2003, ông Mahmoud Abbas là Trưởng ban đàm phán của Tổ chức Giải phóng Palestine; từ năm 1996 là Tổng Thư ký Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine. Giai đoạn 1996 - 2002, ông Mahmoud Abbas là Chủ tịch Uỷ ban bầu cử Palestine đầu tiên. Ông cũng từng là Đại diện Tổ chức Giải phóng Palestine tại lễ ký Tuyên bố về các nguyên tắc (Hiệp định Oslo) tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ) ngày 13/9/1993 và là Đại diện Tổ chức Giải phóng Palestine tại lễ ký Hiệp định tạm thời tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ) ngày 23/9/1995.
Tháng 4/2003, ông Mahmoud Abbas được bầu làm Thủ tướng đầu tiên của Chính quyền dân tộc Palestine; năm 2004 ông được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine và năm 2005 ông được bầu làm Chủ tịch Chính quyền dân tộc Palestine.
Chia rẽ
Trong bối cảnh sức khỏe của Tổng thống Palestine có vấn đề, vẫn tồn tại sự chia rẽ sâu sắc giữa Fatah và phái đối thủ Hamas. Hamas giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử quốc hội năm 2006, một năm sau khi ông Abbas trở thành tổng thống. Năm 2007, phe này củng cố thêm sức mạnh tại dải Gaza khi đánh đuổi được các lực lượng quân đội của Fatah sau nhiều ngày giao tranh. Kể từ đó, không có cuộc bầu cử tổng thống hay cơ quan lập pháp nào được tổ chức.
Trước vấn đề ai sẽ là người lãnh đạo kế tiếp, nhiều phỏng đoán cho rằng Hamas sẽ đề cử Ismail Haniyeh, người đã sẵn sàng tiếp quản vị trí lãnh đạo phong trào Hồi giáo. Người phát ngôn của Hamas, ông Hazem Qassem nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tranh cử tổng thống nào trong tương lai đều “phải là một vấn đề đối với tất cả người Palestine, chứ không phải một vấn đề nội bộ của Fatah”. Tuy nhiên, nếu không có hòa giải về chính trị, phe của ông ta vẫn có thể dễ dàng bị loại khỏi cuộc chơi.
Theo Luật Cơ Bản của Palestine, nếu Tổng thống chết hoặc bị mất năng lực, Chủ tịch Quốc hội sẽ thay thế vị trí trong khi bầu cử được tổ chức. Do Chủ tịch Quốc hội hiện tại là Aziz Dweik thuộc phái Hamas, một số quan chức của Fatah đang tranh cãi rằng điều luật này không nên được áp dụng, bởi vì quốc hội đã không nhóm họp trong gần một thập niên.
Uỷ ban Trung ương Fatah, cơ quan quyết định tối cao của đảng này, sẽ đưa ra những quyết định quan trọng về việc ai sẽ làm tổng thống. Đối với người dân Palestine, trong số 20 thành viên của ủy ban này, được ủng hộ nhiều nhất là Marwan Barghouti, người đã lãnh đạo nhóm vũ trang Tanzim của Fatah trong cuộc nổi dậy cuối cùng chống lại sự chiếm đóng. Dù đang ngồi tù ở Israel, thụ 5 án tù chung thân do liên quan đến việc giết hại người Israel, ông vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng và dẫn đầu những nỗ lực chấm dứt chia rẽ với Hamas. Khalil Shikaki, Giám đốc Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu Chính sách Palestine, tổ chức thăm dò ý kiến thường xuyên, nói: “Ông Marwan Barghouti nhận được sự ủng hộ rộng khắp ở cả dải Gaza và Bờ Tây. Không ai có thể bằng ông ấy”.
Những cái tên nổi bật
Không chỉ có Barghouti mà còn ít nhất 3 nhân vật nữa cũng đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Đó là Mohammed Dahlan, lãnh đạo Lực lượng An ninh Phòng vệ của Chính quyền Palestine tại dải Gaza cho đến năm 2007. Ông bị trục xuất khỏi Fatah sau bất đồng với tổng thống và hiện đang sống cuộc sống lưu vong xa hoa tại Abu Dhabi. Ông này cũng có mối quan hệ gần gũi với các lãnh đạo khu vực.
Người thứ hai là Jibril Rajoub, nguyên là một binh sĩ từng chỉ huy Lực lượng An ninh Phòng vệ tại Bờ Tây. Được biết đến là một người bộc trực, ông xuất hiện trước công chúng thông qua vai trò trong các tổ chức thể thao và là Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Fatah.
Cuối cùng là đương kim lãnh đạo cơ quan tình báo, Majed Faraj. Ông là một nhà đàm phán trong vòng cuối cùng của những cuộc đàm phán hòa bình với Israel vốn đã bị thất bại và dường như đã gây ấn tượng với cả người Israel và người Mỹ.
Tuy nhiên, chưa có ai dẫn đầu cuộc chạy đua một cách rõ ràng. Một viễn cảnh có thể xảy ra sau nhiệm kỳ của ông Abbas là sự phân chia các chức danh: Tổng thống, lãnh đạo Fatah và Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Nếu các cá nhân khác nhau giữ những chức vụ này, sự lãnh đạo chính trị sẽ mang tính tập thể hơn. Điều này có thể kéo theo sự tham gia của Saeb Erekat, nhà đàm phán chính kiêm Tổng Bí thư của PLO, Nasser al-Kidwa, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đại diện tại Liên Hợp quốc đồng thời là cháu trai của cố lãnh tụ Yasser Arafat...