Tìm phương án gỡ khó đất đắp nền cao tốc Bắc - Nam phía Đông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đối với các công trình xây dựng, thông thường nguyên nhân chậm tiến độ thường là do thiếu vốn, thiếu mặt bằng. Nhưng với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một nghịch lý là nguy cơ chậm tiến độ lại là do thiếu đất đắp nền.
Thi công gói thầu 3-XL Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh tư liệu năm 2022)
Thi công gói thầu 3-XL Phan Thiết - Dầu Giây (Ảnh tư liệu năm 2022)

Vậy ở Việt Nam, đất đắp có khan hiếm không? Câu trả lời là nước ta rất dồi dào về đất đai khi đồi núi chiếm ¾ diện tích lãnh thổ, thuộc sở hữu chung của toàn dân, do Nhà nước quản lý. Nguyên nhân các dự án cao tốc thiếu đất đắp là do thủ tục khai thác gặp nhiều khó khăn, nhiêu khê. Cơ quan chức năng đang nỗ lực gỡ khó các vướng mắc này để có đất đắp nền, sớm đưa các dự án về đích đúng tiến độ.

Vẫn thiếu hàng triệu m3 đất

Việc thiếu các mỏ vật liệu, mỏ đất để làm nền công trình giao thông là chưa có tiền lệ ở nước ta. Tuy nhiên, khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam thì tình trạng này bắt đầu diễn ra. Nguyên nhân chính là do 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được tổ chức thực hiện trong cùng khoảng một thời gian nhất định khiến nhu cầu đất đắp tăng đột biến, nhiều mỏ vật liệu được cấp phép ở các địa phương không đủ trữ lượng đáp ứng.

Khi lượng vật liệu làm nền đường khan hiếm, có tình trạng các mỏ vật liệu tự ý nâng giá khiến nhà thầu thi công chịu thiệt hại. Theo ông Dương Văn Mậu - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Vinaconex, giai đoạn 1 cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đơn vị này tổ chức thi công nhiều gói thầu tại các dự án như Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mai Sơn - Quốc lộ 45… Điều đáng nói, ở tất cả các dự án này đều xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu đắp nền đường. Đặc biệt, khu vực phía Nam thuộc dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây tình trạng thiếu vật liệu đắp nền xảy ra nghiêm trọng hơn. “Các nhà thầu phải thua lỗ hạng mục đắp nền đường hàng trăm tỷ đồng chứ không ít”, ông Mậu chia sẻ.

Hiện nay, riêng dự án Phan Thiết - Dầu Giây còn thiếu khoảng 620.000 m3 đất đắp nền, còn dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu nhiều hơn với khoảng 900.000 m3.

Theo lãnh đạo một số Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông), nguyên nhân thiếu đất đắp là do phải chờ các thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản. Hiện nay, quy trình để nhà thầu có đất đắp nền khá phức tạp. Thứ nhất, cơ quan cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu cho doanh nghiệp địa phương, sau đó các doanh nghiệp này mới ký hợp đồng, bán lại đất đá cho các nhà thầu cao tốc. Thủ tục để địa phương cấp mỏ khoáng sản rất phức tạp, thời gian kéo dài, liên quan đến thẩm định của nhiều bộ ngành trung ương.

Nguy cơ chậm tiến độ một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông do thiếu đất đắp nền

Nguy cơ chậm tiến độ một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông do thiếu đất đắp nền

Tiếp tục tháo gỡ

Hồi mới thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Chính phủ đã ban hành một số Nghị quyết nhằm gỡ khó cho việc thiếu vật liệu làm cao tốc. Thế nhưng đến nay thời hạn các Nghị định này đã hết hiệu lực áp dụng, trong khi cao tốc chưa thi công xong, khiến các địa phương phải xin gia hạn việc khai thác các mỏ đất áp dụng theo cơ chế các Nghị định trên.

“Nhiều mỏ đất phải dừng hoạt động mấy tháng nay do chưa làm xong thủ tục cấp phép khai thác lại khiến việc thi công cao tốc cũng phải dừng theo”, lãnh đạo Ban quản lý dự án 7, đơn vị chủ đầu tư cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết.

Để gỡ khó vấn đề thiếu vật liệu đắp nền cao tốc, ngày 22/3 vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị về về tăng cường kiểm soát chất lượng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư phải nâng cao chất lượng trong việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, đảm bảo đầy đủ số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thuỷ văn, mỏ vật liệu, bãi đổ thải, nhất là các khu vực nền đất yếu, có điều kiện địa chất phức tạp.

Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu phải có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng khảo sát điều tra các mỏ vật liệu, bãi đổ thải phải khảo sát kỹ lưỡng về vị trí, trữ lượng, chất lượng, khả năng cung ứng, đường vận chuyển, thủ tục khai thác đáp ứng yêu cầu của dự án.

“Đối với các khu vực xử lý nền đất yếu, khan hiếm nguồn vật liệu đắp nền, khu vực tránh lũ, thoát lũ, nghiên cứu so sánh các phương án, giải pháp kỹ thuật, đặc biệt phương án cầu cạn, để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, ổn định công trình lâu dài”, chỉ thị nêu.

Kiến nghị Thanh tra Chính phủ gỡ khó

Bộ GTVT vừa kiến nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, gỡ vướng 620.000 m3 vật liệu đất đắp còn lại giúp cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Theo đó, Bộ GTVT cho biết, để đảm bảo tiến độ, các nhà thầu đã triển khai thủ tục trình UBND tỉnh Đồng Nai xin gia hạn thời gian khai thác 5 vị trí nói trên với trữ lượng còn lại khoảng 960.000 m3 nhưng chưa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận. Nguyên nhân do Thanh tra Chính phủ đang thực hiện thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án giao thông quan trọng quốc gia. Trong đó, có dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây.

Bộ GTVT kiến nghị, trong khi chờ kết luận chính thức, Thanh tra Chính phủ xem xét có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai cho phép thực hiện thủ tục gia hạn các vị trí hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp đã cấp cho dự án để đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Đọc thêm