Phát hiện được công bố hồi tuần rồi trên tạp chí khoa học mBio, trực thuộc Hiệp hội Vi sinh vật học Mỹ, bước đầu cung cấp manh mối về nguồn gốc của loài siêu vi khuẩn này. C. auris đã xuất hiện một cách bí ẩn trên người một bệnh nhân ở Nhật Bản hồi năm 2009 và nhanh chóng lan lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Colombia, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Nam Phi,...
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết C. auris là một loại nấm có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng, nhất là trên các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện hay các cơ sở y tế. Cứ 3 người nhiễm C. auris xâm lấn (chẳng hạn như nhiễm trùng ảnh hưởng đến máu, tim hoặc não), thì có 1 trường hợp tử vong.
Hồi năm 2019, CDC cũng tuyên bố C. auris là "mối đe dọa khẩn cấp" đối với sức khỏe cộng đồng. "Khi vi khuẩn này vào bệnh viện, đó thật sự là một cơn ác mộng. Phát hiện mới có đóng góp rất quan trọng trên con đường giải mã C. auris", tiến sĩ Arturo Casadevall, Chủ nhiệm Khoa Vi sinh phân tử và miễn dịch thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (JHSPH, Mỹ), nói với trang Live Science.
Trước đây, tiến sĩ Casadevall là một trong những nhà khoa học đầu tiên đưa ra giả thuyết sự bùng phát của C. auris là một phần hệ quả của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, chuyên gia này diễn giải rằng khi nhiệt độ trở nên ấm hơn, một số sinh vật, trong đó có C. auris, đã có thể thích nghi và chịu đựng được nhiệt độ cơ thể bình thường của con người khoảng 37°C. Trong khi theo lẽ thường, đây là nhiệt độ hầu hết các loài nấm đều không thể tồn tại.
Lấy cảm hứng từ giả thuyết này, tiến sĩ Anuradha Chowdhary, một chuyên gia về vi nấm y học thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ) và các cộng sự đã tiến hành phân tích các mẫu đất và nước được thu thập từ 8 địa điểm quanh quần đảo nhiệt đới Andaman, ngoài khơi Ấn Độ. Nhóm nghiên cứu đã phân lập C. auris từ 2 địa điểm: một vùng đầm lầy ngập mặn, nơi hầu như không có người đến và một bãi biển có nhiều hoạt động của con người hơn.
Theo đó, những chủng C. auris phân lập từ bãi biển được phát hiện có khả năng kháng thuốc cao và liên quan chặt chẽ với chủng đã gây bệnh ở người hơn các chủng được tìm thấy trong đầm lầy. Ngoài ra, trong số những chủng được tìm thấy trong đầm lầy, một số cũng được ghi nhận là không kháng thuốc và phát triển chậm hơn ở nhiệt độ cao so với các nhóm phân lập khác và đây có thể là chủng C. auris "hoang dã", chưa thích nghi với nhiệt độ cơ thể cao của con người.
Với tình thần ghi nhận nghiên cứu, tiến sĩ Casadevall cho hay nếu thực sự chứng minh được C. auris đến từ tự nhiên và sự nóng lên toàn cầu là một yếu tố khiến nó lây lan sang con người, thì có thể trong tương lai, nhân loại phải đối diện với nhiều mầm bệnh bí ẩn tương tự C. auris.
“Nếu giả thuyết này được chứng thực, chúng ta cần sớm có những bước chuẩn bị để không phải bất ngờ, giống như cách đã đối diện với SARS-CoV-2 (vi rút gây ra đại dịch Covid-19) trong thời gian qua”, tiến sĩ Casadevall nói.
Phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy giả thuyết của tiến sĩ Casadevall có thể đúng. Tuy nhiên, nghiên cứu không chứng minh được C. auris "hoang dã" có nguồn gốc từ quần đảo Andaman. Rất có thể, con người đã đưa vi khuẩn vào đây, thông qua hoạt động du lịch tại các bãi biển hay xả thải từ các khu dân cư quanh quần đảo, đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Chowdhary nhấn mạnh.