Tìm “thế” bình đẳng cho các thành phần kinh tế

Quốc hội dành cả ngày hôm qua để thảo luận tại Tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với những ý kiến tâm huyết và mong muốn có một bản Hiến pháp thể hiện đầy đủ tinh thần dân chủ, của người dân, do người dân và vì người dân của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quốc hội dành cả ngày hôm qua để thảo luận tại Tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với những ý kiến tâm huyết và mong muốn có một bản Hiến pháp thể hiện đầy đủ tinh thần dân chủ, của người dân, do người dân và vì người dân của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các thành phần kinh tế phải bình đẳng

Cơ bản đồng tình với những chỉnh lý sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) tiếp tục góp ý sâu vào các qui định của dự thảo nhằm làm rõ hơn về chế độ chính trị, quyền con người và quyền công dân, chế độ sở hữu về đất đai, các thiết chế trong tổ chức bộ máy nhà nước và bảo vệ Hiến pháp… và cũng có những ý kiến băn khoăn trước một số qui định “cần tiếp tục cân nhắc”.

Trước 3 phương án được đưa ra tại dự thảo dự kiến được chỉnh lý về các thành phần kinh tế, sự lựa chọn của ĐBQH cũng chưa hoàn toàn thống nhất. ĐB Trịnh Xuyên (tỉnh Thanh Hóa) tán thành phương án qui định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” trong khi một số ĐB lại cho rằng, chỉ cần qui định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” là đầy đủ.

Đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) phát biểu tại Hội trường

ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) nhận thấy, “thời gian qua, kinh tế nhà nước ở 1 số lĩnh vực đã giữ được vai trò chủ đạo, nhưng ở một số lĩnh vực vẫn còn vấn đề bất cập: thất thoát, thua lỗ. Nếu qui định là chủ đạo thì sau lại phải bơm vốn, tạo cơ chế xin cho, bất bình đẳng giữ các thành phần kinh tế nên phải nghiên cứu sâu khi đặt vấn đề “kinh tế nhà nước là chủ đạo”.

Cũng lý do đó, ĐB Thân Đức Nam (TP.Đà Nẵng) lo ngại, “việc tiếp tục duy trì tình trạng ưu đãi cho thành phần kinh tế nhà nước và không coi trọng đúng mức vị trí của các thành phần kinh tế khác sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế”.

Chưa rõ khái niệm quyền tư pháp

Nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm đến mô hình tổ chức bộ máy nhà nước. ĐB Phạm Đình Quyền (TP.Hà Nội) nhấn mạnh, “dự thảo cần làm rõ nguyên lý “trách nhiệm mỗi nhánh quyền lực minh bạch rõ ràng, được kiểm soát. Về bộ máy nhà nước, trong các thời kỳ qua Việt Nam đã có nhiều tổ chức chính trị xã hội tham gia quản lý nhà nước và bộ máy chính quyền nhân dân.

Tuy nhiên, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam, cần minh bạch về thẩm quyền. Tổ chức xã hội chỉ nên trở lại vai trò tập hợp, phản biện, không tham gia quản lý nhà nước”.

Đối với quyền tư pháp, nhiều ĐBQH nhận thấy dự thảo chưa xác định được khái niệm về quyền này trong khi quyền lập pháp và hành pháp được qui định rất cụ thể. Bên cạnh đó, những cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp cũng là vấn đề cần được quan tâm bởi thực tế, chúng ta đang coi cơ quan Kiểm sát, Công an, Tư pháp, Tòa án đều là “cơ quan tư pháp”.

Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn: “Viện kiểm sát đứng ở đâu trong Hiến pháp vì tư pháp theo tiếng Hán Nôm chỉ là xét xử thôi”.

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cũng thấy: “Chưa thật rõ về khái niệm để xác định địa vị pháp lý của cơ quan tư pháp. Các cơ quan tư pháp là cơ quan nào?. Viện kiểm sát thực hiện chức năng tranh tụng nhưng khi ra tòa lại thực hiện cùng lúc 2 vai: vừa tranh tụng vừa kiểm sát hoạt động tư pháp đó. Như thế là chồng chéo”.

Đánh giá việc đưa thiết chế “Hội đồng bầu cử quốc gia” vào dự thảo là một sự tiến bộ, một số ĐBQH vẫn bày tỏ những nghi ngại vì dự thảo chưa làm rõ được cơ chế tổ chức, hoạt động và vai trò của Hội đồng này khi hoạt động bầu cử ở nước ta chỉ diễn ra 5 năm/lần.

Một số ý kiến của ĐBQH đề nghị tính toán kỹ trước khi đưa qui định này vào Hiến pháp vì lo ngại “thiết chế này hoạt động như thế nào trước suốt nhiệm kỳ?. Có gánh bớt quyền hạn của 1 số cơ quan nhà nước, ủy ban của Quốc hội hay có làm cồng kềnh thêm bộ máy hiện nay?...”.

Nhiều ý kiến ĐBQH góp ý và bảy tỏ tán thành về một thiết chế “bảo vệ Hiến pháp” là Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm chính là “cần tăng thực quyền để Hội đồng này không trở thành một thiết chế như một ủy ban của Quốc hội”.

ĐB Trần Ngọc Vinh kiến nghị dành cho Hội đồng Hiến pháp quyền đình chỉ, thậm chí bãi bỏ những văn bản vi hiến do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, không phải Quốc hội và khi Hội đồng này đề nghị, Quốc hội phải xem xét và tự bãi bỏ các văn bản pháp luật của mình vi hiến…

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được các ĐBQH thảo luận tại phiên toàn thể vào ngày 3-4/6.

Hương Giang

Đọc thêm