Tìm thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam: Cần tầm nhìn mới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

(PLO) - Hôm qua (15/3), Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra tại TP Long Xuyên (An Giang).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm gạo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm gạo

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tìm được giải pháp để xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao chất lượng nông nghiệp hữu cơ, chứ không phải chỉ theo tư duy “sản lượng năm sau phải cao hơn năm trước mà giá trị thì không cao”.

Nông dân đang hưởng lợi nhuận thấp nhất

Thống kê cho biết, năm 2016, các DN xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,1 tỷ USD. Hạt gạo Việt Nam có mặt tại trên 150 nước, thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 38%), Philippines (9%), Malaysia (9%), Bờ Biển Ngà (9%)… Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Ước tính, 2 tháng đầu năm nay, các DN xuất khẩu 787.235 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả chuỗi giá trị của ngành lúa gạo còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển. Không có hợp đồng tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thì nông dân đang hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Không những thế, thách thức đặt ra không nhỏ đối với ngành Lúa gạo đó là tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mặn xâm nhập diễn biến khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến diện tích đất lúa và chất lượng đất lúa. Nguồn nước ngọt còn thiếu hơn khi các nước thượng nguồn các dòng sông xây dựng nhiều công trình thủy lợi và thủy điện. Trong khi đó, diện tích đất lúa còn manh mún, khó cho sản xuất hàng hóa với chất lượng đồng bộ; chưa có chuỗi liên kết bền vững; DN xuất khẩu gạo chưa thể hiện là đầu tàu dẫn dắt sản xuất… 

Theo Thủ tướng, gạo Việt Nam có khả năng cạnh tranh kém, hầu như không có tên tuổi nổi trội, chưa có thương hiệu nổi tiếng và hiện bị lấn sân ngay cả thị trường trong nước. “Mình nói xâm thực mặn ở ĐBSCL nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ”, Thủ tướng bày tỏ và cảnh báo, các nước nhập khẩu gạo tăng cường trợ cấp nông nghiệp để tự túc sản xuất gạo.

Tầm nhìn mới cho ngành Lúa gạo

Trăn trở với bài toán tìm thương hiệu cho hạt gạo Việt, Thủ tướng mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách, thể chế để làm sao giải phóng sức sản xuất, xây dựng được thương hiệu, làm sao để cuộc sống người nông dân khá hơn, giảm chi phí trung gian. Thủ tướng cũng hoan nghênh Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên bố bỏ quy hoạch các nhà tư thương xuất khẩu gạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để có đầu ra ổn định và mang lại hiệu quả cao cho sản phẩm lúa gạo, cần coi lúa gạo là một loại hàng hóa, điều chỉnh sản lượng lúa gạo hợp lý gắn với chuyển đổi diện tích đất lúa sang loại cây trồng khác và chăn nuôi. Trong sản xuất phải chú trọng nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý triệt để tình trạng tồn dư hóa chất đối với gạo. Gạo xuất khẩu phải truy xuất được nguồn gốc khi xuất khẩu; sản xuất các loại gạo phải gắn với nhu cầu của từng thị trường.

Bên cạnh đó, phải có cơ chế thu hút đầu tư nguồn lực xã hội, nhất là DN; có cơ chế giúp DN có vai trò tiên phong trong xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, đóng gói đến tiêu thụ; quan tâm coi trọng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Lúa gạo Việt Nam. Bộ cũng đề xuất cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo Việt Nam phù hợp với quốc tế.

Nhấn mạnh rằng ngành Lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, Thủ tướng cho rằng, phải có một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất lúa gạo. Chính vì vậy, ngành Lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt Nam đáp ứng sâu sắc nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các DN làm lúa gạo.

Trước đó, chiều 14/3, ngay sau khi có chuyến thị sát một mô hình sản xuất nông nghiệp ở An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, chủ yếu tập trung vào vấn đề phát triển nông nghiệp.

Đọc thêm