Tìm tiếng nói chung trong thực thi pháp luật về con nuôi

Hôm qua (6/6), Bộ Tư pháp đã tổ chức diễn đàn để giúp các tổ chức con nuôi nước ngoài (CNNN) nắm vững các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nuôi CNNN cũng như để lắng nghe phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Công ước Lahay. 

Hôm qua (6/6), Bộ Tư pháp đã tổ chức diễn đàn để giúp các tổ chức con nuôi nước ngoài (CNNN) nắm vững các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về nuôi CNNN cũng như để lắng nghe phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Nuôi con nuôi (NCN) và Công ước Lahay.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tư pháp – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và lãnh đạo Cục Con nuôi đã thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề với đại diện của 30 tổ chức CNNN nhằm tìm được tiếng nói chung trong việc thực thi Luật NCN và Công ước Lahay

 

Lúng túng trước những đòi hỏi đổi mới

Luật NCN và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành trong năm 2010 và 2011 đã đánh dấu sự thay đổi lớn, khẳng định bước tiến mới trong hệ thống pháp luật về NCN tại Việt Nam. Lần đầu tiên, các chế định về NCN trong nước và nuôi CNNN cùng được điều chỉnh trong một văn bản, tạo sự liên thông, hỗ trợ và và thúc đẩy vấn đề quản lý, đăng ký NCN trong nước và nước ngoài.

Đây cũng là lần đầu tiên, pháp luật về NCN của Việt Nam đã quy định một cách minh bạch các khoản lệ phí đăng ký NCN và chi phí giải quyết nuôi CNNN. Đây là điều mà không phải bất kỳ nước cho trẻ em làm CNNN nào (nước gốc - PV) cũng có thể làm được. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký và phê chuẩn Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực NCN quốc tế, tạo cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác về NCN với các nước thành viên Công ước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Qua một năm rưỡi thi hành Luật NCN và qua 4 tháng thực hiện Công ước Lahay đã cho thấy nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Khó khăn chung từ các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam là do chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu của Luật và Công ước Lahay, do thói quen và cách làm cũ vẫn còn khá hiện hữu trong tâm lý và cách ứng xử của một bộ phận cán bộ làm việc tại các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình xử lý hồ sơ CNNN theo Luật mới nên sự chuyển đổi nhìn chung còn chậm.

Tính đến thời điểm hiện tại, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã xem xét, cấp giấy phép cho 25 tổ chức CNNN hoạt động tại Việt Nam theo Luật mới. “Tuy đã được cấp phép nhưng thực tế đến nay cho thấy, các tổ chức CNNN dường như chưa thực sự chủ động triển khai hoạt động; một số tổ chức còn có tâm lý chờ đợi hoặc hoạt động còn lúng túng, chưa theo kịp những yêu cầu, đòi hỏi của Luật NCN và Công ước Lahay” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá.

Cùng nhau tìm tiếng nói chung

Tại diễn đàn, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) đã giới thiệu những việc đã và đang tiến hành để cấp phép cho tổ chức CNNN, cũng như giải quyết hồ sơ CNNN theo yêu cầu của Luật và Công ước Lahay; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức CNNN theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước Lahay.

Các đại biểu đến từ 9 Đại sứ quán, Văn phòng UNICEF tại Hà Nội, đại diện các bộ, ngành và địa phương cùng đại diện các văn phòng CNNN… đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức, đồng thời đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm và giải pháp hữu ích để đẩy mạnh việc thực hiện Công ước Lahay và Luật NCN sao cho có hiệu quả nhất.   

Về nguyên nhân từ chối cấp phép hoạt động cho các tổ chức CNNN, Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong thời gian qua, Cục đã bác đơn xin cấp phép đối với 1 tổ chức của Thụy Sỹ do tổ chức này được thành lập và hoạt động ở Thụy Sỹ nhưng chưa có đủ 3 năm hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra, có 1 tổ chức khác nộp hồ sơ cấp phép rất sớm nhưng giấy tờ lại chưa cập nhật theo quy định của Luật nên chưa xem xét cấp phép và có 1 tổ chức tạm thời chưa cấp phép. Không những thế, trong quá trình hoạt động, Cục cũng có thể dừng đơn xin cấp phép nếu các tổ chức không cập nhật những quy định mới của Luật NCN. “Nói chung, liên quan đến việc từ chối cấp phép thường do cách thức giải trình không rõ ràng của tổ chức CNNN tại nước nhận về chi phí giải quyết NCN ở VN” - ông Bình lưu ý.

Trước băn khoăn về việc Cục không thông báo cho các tổ chức CNNN đã gửi hồ sơ cha mẹ nuôi về các tỉnh, ông Bình chia sẻ là do có sự e ngại nhất định của Cục khi mà các tổ chức chưa thực sự “sát cánh” với Cục, thậm chí vẫn còn tình trạng cạnh tranh “ngầm” giữa các tổ chức với nhau. “Chừng nào các tổ chức sát cánh với Cục, chừng nào việc cạnh tranh không lành mạnh chấm dứt thì Cục sẽ thông báo công khai” – ông Bình khẳng định.

Đối với phản ánh có hiện tượng cơ sở nuôi dưỡng yêu cầu “chồng” 5 nghìn Euro mới ghép trẻ, Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Nếu đúng có Sở Tư pháp nào, cơ sở nuôi dưỡng nào yêu cầu như vậy thì hãy báo cáo chính xác lên cho Cục, Cục sẽ làm việc đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, theo ông Bình, trong quá trình thực hiện có thể đã xuất hiện người trung gian không có trong danh sách thông báo đại diện nhân sự các tổ chức CNNN cho chính quyền địa phương và những người trung gian này yêu cầu phải giải quyết thông qua họ, đòi chi phí lớn làm méo mó bức tranh ghép trẻ. “Vì vậy, rất mong các tổ chức CNNN hợp tác tích cực với Cục để giải quyết tình trạng trên” – ông Bình yêu cầu.

Thục Quyên

Đọc thêm