Cổ phục “chiếm sóng”
Thời gian gần đây, trang phục truyền thống Việt bỗng nhiên “chiếm sóng” bằng các bộ ảnh, clip trên mạng xã hội, bằng các buổi trình diễn, cuộc triển lãm và bằng cả cách giới kinh doanh trang phục theo trào lưu bắt đầu đẩy mạnh cho thuê trang phục cổ điển thuần Việt.
Trước kia, quá trình du nhập văn hóa nước ngoài, các bạn trẻ thường hâm mộ các trang phục truyền thống của nhiều nước, như kimono Nhật, hanbok Hàn Quốc hay các trang phục cổ trang Trung Quốc. Những điểm du lịch, phim trường nhan nhản mọc lên, đáp ứng nhu cầu chụp ảnh cổ trang các nước và thu hút đông đảo người trẻ đến “check in” thực hiện các bộ ảnh hút mắt.
Bên cạnh những trang phục cổ trang nước ngoài, gần đây cổ phục Việt Nam bắt đầu xuất hiện trong các trào lưu của người trẻ. Từ những bộ ảnh “thanh xuân”, ảnh kỉ yếu với áo lĩnh, áo tứ thân, áo ngũ thân cho đến những bộ ảnh cưới theo phong cách “người Việt xưa”.
Đặc biệt, bộ trang phục cưới mà chú rể mặc áo tấc, cô dâu diện áo Nhật Bình gây ấn tượng mạnh và được nhiều người trẻ lựa chọn làm trang phục cưới, góp phần làm sống lại trang phục cung đình Huế tưởng đã mất dấu trong đời sống hơn 60 năm.
Giữa tháng 1/2021, tại Sài Gòn diễn ra Ngày hội Việt Phục “Tóc xanh - Vạt áo” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc tới sinh viên.
Ngày hội có trình diễn cổ phục, các gian hàng cổ phong, talkshow về hành trình phục dựng mũ miện triều Nguyễn, talkshow đối thoại về áo dài cổ truyền, đêm diễn tái hiện Điển lễ sắc phong hoàng hậu triều Nguyễn… Đây là một hoạt động ý nghĩa và tạo được sức hút với không chỉ các bạn sinh viên. Tham gia ngày hội còn có các hội nhóm yêu thích cổ phục Việt, các nghệ sĩ, họa sĩ, người làm trong ngành thời trang và nhiều bạn trẻ đang sinh sống ở TP HCM.
Trước Tết năm nay, chị Nguyễn Cẩm My, CEO Học viện Libra và Thương hiệu du lịch The Lover đã thực hiện một bộ ảnh với trang phục Việt truyền thống. Bộ ảnh nhận được quan tâm của cộng đồng mạng.
Chị Cẩm My bày tỏ: “Là một phụ nữ bước vào tuổi 40 nhưng mình cũng như các bạn trẻ khi tìm hiểu kỹ và sâu hơn về trang phục truyền thống đã rất yêu thích. Mình cảm nhận khi khoác lên trang phục truyền thống, người phụ nữ Việt mang một vẻ đẹp bình dị mà sang trọng, lại nữ tính. Cá nhân mình cho rằng giới trẻ ngày nay tìm hiểu, quay lại yêu mến cổ phục Việt là điều hết sức đáng mừng. Các bạn đã đi vào chiều sâu của văn hoá truyền thống với một tư duy tiên tiến. Việc đưa được cổ phục Việt quay lại là sự nỗ lực không hề nhỏ của giới trẻ Việt Nam. Mình nghĩ rằng các bạn trẻ sẽ góp phần bảo tồn, đồng thời khiến bạn bè quốc tế biết đến và yêu cổ phục Việt hơn”.
Khơi dậy vẻ đẹp cổ truyền
Tưởng như một trào lưu, nhưng thực chất, để giới trẻ quay về với trang phục dân tộc là cả một hành trình nỗ lực của nhiều người yêu trang phục cổ. Cách đây vài năm, những nhóm yêu cổ phong, cổ phục Việt Nam bắt đầu xuất hiện. Đại Việt Cổ phong là một trong những nhóm đầu tiên trên Facebook được thành lập, các thành viên là những người quan tâm đến lịch sử, phong tục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc Việt.
Trang phục Việt cổ được trình diễn trong một chương trình của Ỷ Vân Hiên. |
Một trong những đề tài được yêu thích trong nhóm có hơn 100.000 thành viên này là cổ phục Việt qua các thời đại. Hiện giờ, có không ít nhóm trẻ như thế, nổi danh trong cộng đồng người trẻ, đem lại nhiều thông tin, góc nhìn văn hóa Việt cổ giá trị, đáng quý. Có thể kể đến Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Great Vietnam, Sử Talk, Ngàn năm Sử Việt, Ỷ Vân Hiên, Vương Sư Kiên Duệ, Đại Nam Hội Quán…
Từ cảm hứng lan tỏa ấy, thị trường nghệ thuật trong nước bắt đầu tìm lại những vẻ đẹp cổ truyền trong văn hóa dân tộc. Sau thời của MV cổ trang kiểu pha trộn các yếu tố văn hóa nước ngoài, hai năm gần đây, xuất hiện hàng loạt MV cổ trang thuần Việt mà trong đó, yếu tố văn hóa, trang phục cổ được nghiên cứu và đầu tư khá công phu như: Không thể cùng nhau suốt kiếp (Hòa Minzy) lấy cảm hứng từ mối tình của Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu; Tứ phủ (Hoàng Thùy Linh) về nghệ thuật hầu đồng, Mặt trăng (Tô Hương Lan) về chuyện tình Mị Châu Trọng Thủy…
Cạnh đó, còn có những tác phẩm điện ảnh cổ trang như Phượng Khấu, Kiều… Những sản phẩm nghệ thuật ấy đã góp phần tạo nên cú hích để người trẻ tìm về với văn hóa truyền thống và trang phục dân tộc.
Nguyễn Đức Lộc, người sáng lập Ỷ Vân Hiên, một dự án chuyên về trang phục dân tộc, đồng thời là nhà thiết kế phục trang cho dự án phim cổ trang Phượng Khấu, thiết kế phục trang cho nhiều MV cổ trang.
Lộc chia sẻ: “Rất mừng là hiện nay phong trào về cổ phục đã tạo ra một hiệu ứng nhất định, ảnh hưởng đến xã hội thông qua rất nhiều hoạt động và sản phẩm giải trí. Càng nghiên cứu sâu về cổ phục tôi càng thấy nó đúng là tinh hoa của cả một dân tộc. Người Việt chúng ta cũng có thẩm mỹ quan rất riêng và đặc sắc. Đến tận ngày nay vẫn đẹp quá, xuất sắc quá, từ chất liệu đến những hoa văn, và nó vẫn đáp ứng được các nhu cầu trong thời điểm hiện tại”.
Từ những bước đi âm thầm của rất nhiều con người, dần dần đã góp phần thay đổi cái nhìn của cả một thế hệ về nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, đưa trang phục cổ Việt Nam trở lại với đời sống người Việt. Hành trình để người Việt yêu, tìm về, gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc là một hành trình còn rất dài.
TS.Lý Tùng Hiếu, Nhà nghiên cứu văn hóa - Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM:
Văn hoá là gốc rễ, văn hóa dân tộc và văn hóa cá nhân
Ngày nay, gia đình, xã hội, nghề nghiệp của người Việt Nam đã đa dạng hoá và hiện đại hoá, nên các kiểu loại phục sức thường nhật trước đây đã và đang được thay thế bằng các loại phục sức hiện đại, đặc biệt là trong giới trẻ. Đó là lẽ đương nhiên và cần thiết.
Vậy, các giới xã hội sẽ nói gì khi thấy một “nghịch lý”: Nhiều bạn trẻ sau một chuỗi ngày làm việc với các loại đồng phục khi có dịp quây quần bên bạn bè, gia đình, đi chơi, dự lễ, lại quay về với phục sức truyền thống? Họ “văn minh” hay họ “quê mùa”? Tôi nghĩ những bạn trẻ ấy là những người văn minh bậc nhất trong thế giới hôm nay, và đó là một sự văn minh bền vững. Bởi vì, muốn văn minh thì cũng như cây cỏ, phải vươn cao để tiếp nhận khí trời, nắng, gió bốn phương, nhưng muốn sống bền thì cũng như cây cỏ ấy, đừng để cho mất gốc, đứt rễ trong lúc vươn cao. Gốc rễ ấy là văn hoá, văn hoá dân tộc và văn hoá cá nhân.
Tuy nhiên, tôi không lạc quan cho rằng đó là tín hiệu quá đáng mừng cho thấy người Việt trẻ đang tìm về với những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Bởi lẽ đơn giản, “người Việt trẻ” chưa có đủ vốn văn hoá để biết đâu là những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Muốn khuyến khích và lan tỏa tinh thần “tìm về giá trị Việt” trong giới trẻ thì các bậc cha mẹ, nhà trường, phương tiện truyền thông, nhà nghiên cứu cần chỉ ra cho đúng đâu là những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc.
Hình ảnh trong một MV cổ trang. |
Như đối với phục sức truyền thống, cần phải khẳng định rằng, giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam không nằm ở phẩm phục của vua quan phong kiến, mà nằm ở những kiểu loại phục sức truyền thống của các tầng lớp dân cư, khi họ tụ họp với nhau trong những nghi lễ thiêng liêng, những sinh hoạt cộng đồng, những giao lưu văn nghệ gắn kết họ lại với nhau.
Một quốc gia văn hiến, văn minh thì cần phải điển chế hoá và nâng cao các kiểu loại phục sức này của dân cư, chứ không để cho họ ăn mặc tuỳ tiện, lôi thôi, nhếch nhác.
Nhưng trao truyền nhận thức chỉ là “bước một”. Muốn cho “người Việt trẻ” có thái độ, hành động đề cao, phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc thì phải chỉ ra được những phần nào trong văn hoá ấy, bản sắc ấy vẫn còn hữu ích, hữu dụng, tức là còn giá trị, thậm chí gia tăng giá trị trong cuộc sống của họ hôm nay. Đó cũng là con đường để cho các di sản văn hoá tiếp tục sống cuộc đời của nó trong thế giới hôm nay, con đường mà giới quản lý văn hoá gọi là “bảo tồn động”.
Phục sức truyền thống, cũng như các di sản văn hoá khác, chính là một trong những tài nguyên vô tận cho những ai biết đến giá trị của nó và biết cách hồi sinh hoặc làm mới nó cho phù hợp với các thế hệ người Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi văn hoá hôm nay. Một số người khởi nghiệp đã biết đến điều này và tôi muốn cảm ơn họ mặc dù cách thức bảo tồn và phát huy di sản của họ thường gây tranh cãi.