1. Theo các nhà nghiên cứu, lụa Việt Nam có đặc trưng là dệt 100% từ tơ tằm. Do vậy, lụa tơ tằm rất mềm, mát, không nhăn, khử mùi rất tốt. Từ những thế kỷ trước, Việt Nam đã hình thành những làng lụa cổ truyền nổi tiếng như: Làng lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) có nghề dệt lụa tơ tằm từ khoảng 1200 năm trước; làng Lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có khoảng 600 năm tuổi; làng Lụa Mã Châu (Quảng Nam) nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa từ hơn 500 năm trước và là làng lụa lâu đời nhất ở phương Nam.
Lụa vốn là loại vải đắt tiền, chỉ dành cho giới thượng lưu trong xã hội phong kiến thời xưa. Trải qua một thời gian dài phát triển từ thời phong kiến cho tới xã hội hiện đại, lụa vẫn luôn giữ vững giá trị là một trong những loại vải cao cấp được đông đảo người tiêu dùng yêu thích. Lụa giờ đây cũng có rất nhiều loại, không chỉ đơn giản là vải lụa trơn được nhuộm màu như trước. Từ những loại như lụa chéo, lụa chấm, lụa in hoạ tiết chìm, lụa in hoạ tiết nổi, lụa vẽ,… cho đến những cách dệt khác từ lụa tơ tằm cho ra những loại vải khác nhau như Tafta, Crepe (CDC), Satin,… Mỗi loại đều có những đặc điểm khác nhau nhưng nhìn chung đều vẫn toát ra được vẻ đẹp riêng của lụa.
Theo lời chị Thu Hà (42 tuổi, Bảo Lộc), quản lý cửa hàng chuyên bán lụa có tiếng cho hay: “Lụa ngày nay rất đa dạng, nhiều mẫu mã và phù hợp với mọi lứa tuổi. Người trẻ tuổi mua lụa không sợ bị già, người lớn tuổi cũng không còn lo vải mỏng quá. Lụa có thể làm hài lòng mọi nhu cầu của khách hàng. Khoác trên mình vải lụa không còn nhàm chán bởi giờ nó vừa mang nét đẹp mới mẻ mà vẫn giữ được vẻ đơn sơ cổ truyền”.
Áo dài lụa mang vẻ đẹp Việt truyền thống đặc trưng. (Hình minh họa) |
2. Qua bao năm, áo dài Việt Nam đã từng bước thay đổi theo đời sống hiện đại, từ những chất liệu lụa tơ tằm, đay, gai, nhung, sợi bông,… cho đến sợi tổng hợp. Nhưng trong tất cả các chất liệu, lụa tơ tằm may áo dài tạo cho người sử dụng sự thoải mái, dễ chịu và còn thể hiện được giá trị lịch sử của chất liệu truyền thống Việt Nam.
Nếu như ngày xưa chỉ các cô, các bà của những gia đình giàu có, quyền thế mới mua được những tấm lụa đẹp để may áo dài thì giờ đây với mức độ phủ sóng của ngành lụa, tìm mua vải lụa may áo dài đã không còn vất vả như xưa. Nhưng không vì thế mà lụa mất giá, lụa vẫn có giá trị riêng, nhiều nhưng không đại trà.
Cũng theo lời chị Thu Hà: “Khách hàng tìm đến mua lụa chủ yếu là muốn may áo dài để mặc vào những dịp quan trọng như lễ Tết, đám hỏi, đám cưới… Khách hàng mà mua được tấm lụa đẹp may áo thì nâng niu lắm, chọn thợ cũng phải thợ thật giỏi để may ra được áo dài lụa đẹp nhất. Mặc xong thì cất và bảo quan rất kĩ, lâu lâu lại mang ra ngắm cho thoả”.
Cô Thanh Nga (52 tuổi, Hà Nội), là người rất yêu thích áo dài và có đến 30 bộ áo dài đủ kiểu trong tủ, tâm sự: “Từ bé khi thấy mẹ hay các cô mặc trên người bộ áo dài, tôi đã phải lòng áo dài từ đó rồi. Lần đầu tiên tôi được mặc áo dài là khi lên cấp 3, được khoác trên mình chiếc áo dài lụa trắng đơn giản nhưng sao lại thấy đẹp đến thế. Từ đó đến nay tôi đã sưu tầm nhiều áo dài với đủ chất liệu nhưng những chiếc áo dài lụa vẫn là chiếc áo tôi trân quý nhất, nâng niu như lần đầu được mặc áo dài đó”. Có thể thấy, với nhiều người yêu thích áo dài lụa không chỉ bởi vẻ đẹp của nó mà còn bởi những kỷ niệm, bởi những cảm xúc dù đã lâu nhưng khi nhớ lại thì vẫn như ngày đầu…
Áo dài lụa Việt Nam bên cạnh vẻ đẹp bề ngoài thì còn có những giá trị về văn hoá dân tộc. Theo nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng từng nói, lụa có thể được xem là một di sản văn hóa may mặc rất quý của Việt Nam. Qua từng mốc thời gian, chất liệu may Áo dài Việt Nam cũng ngày càng phát triển và đa dạng nhưng lụa vẫn được nâng niu hơn cả.
Và như thế, dường như lụa và áo dài, tuy hai mà một, nhắc đến áo dài nhớ đến lụa, nhắc đến lụa lại nghĩ đến áo dài. Áo dài và lụa sẽ luôn là hình tượng tiêu biểu cho nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt.