Tìm về nét đẹp di sản U Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - U Minh là một cái tên mà khi nhắc đến vẫn gợi lên trong lòng người nhiều cảm xúc kì lạ bởi sự hoang sơ, kì bí và sức hút khó cưỡng của một quần thể di sản kì vĩ mà mỗi một người Việt ai cũng mong muốn đến một lần.
 Một góc U Minh Thượng, nơi có các di tích lịch sử nổi tiếng. (Nguồn: Internet)
Một góc U Minh Thượng, nơi có các di tích lịch sử nổi tiếng. (Nguồn: Internet)

Vùng đất là bối cảnh của tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” được biết đến bởi thiên nhiên cực kì hùng vĩ và hoang sơ, bởi hệ động thực vật độc đáo và quý hiếm nổi tiếng trên thế giới và bởi những di sản vật thể và phi vật thể “có một không hai”. Rừng U Minh có tổng diện tích khoảng 2.000km2 nằm giữa 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, chia thành 2 khu vực rõ rệt là rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ được chia cắt bởi 2 con sông là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Bước chân dọc hành trình đến U Minh, khiến lữ khách ngỡ ngàng vì vẻ đẹp và vì sự quý giá của vùng đất địa đầu Tổ quốc này.

Xứ sở của di sản - U Minh Thượng

Vườn Quốc gia U Minh Thượng là một trong ba khu vực trọng yếu của khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam và thứ 2.228 của thế giới, là Vườn di sản rừng trên đất than bùn đầu tiên của Đông Nam Á...

U Minh Thượng có nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn, tài nguyên động, thực vật rừng; bảo tồn các loài động thực vật rừng quý, hiếm đặc biệt là các nguồn gen nhằm phục vụ cho nghiên cứu khoa học, học tập và phát triển bền vững.

Do tính độc đáo của hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn đã hình thành sự phong phú của chuỗi dinh dưỡng tạo điều kiện cho sự hình thành, phát triển nguồn tài nguyên động vật hoang dã đa dạng, phong phú với sự hiện diện của 32 loài thú, 184 loài chim, 50 loài bò sát lưỡng cư, 64 loài cá, 209 loài côn trùng. Trong đó, có 54 loài động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và danh mục IUCN (2021).

Không chỉ là khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng thế giới, di sản thiên nhiệt tuyệt đẹp, trong lòng U Minh Thượng còn ẩn chứa nhiều di sản văn hóa - lịch sử có ý nghĩa quan trọng. Trên địa bàn U Minh Thượng có đến 15 di tích lịch sử đã được công nhận và ghi nhận với hai 2 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận: Di tích lịch sử căn cứ U Minh Thượng và Khu di tích lịch sử An ninh khu IX. Cạnh đó là di tích được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh bao gồm Di tích lịch sử văn hóa chùa Xẻo Cạn; di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá giai đoạn 1974 - 1975; di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá giai đoạn 1972 - 1973.

Ngoài ra có nhiều di tích quan trọng khác như Di tích ngã tư Công Sự (trận đánh lớn chiến thắng Công Sự địch năm 1960); ngã ba Cây Bàng (nơi diễn ra 2 trận chiến thắng trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ); Sân Gạch (nơi chiến thắng Sân Gạch); Trường Tư pháp Nam bộ; hầm bí mật cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; hầm bí mật cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh; đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực và ngôi mộ cổ... Di sản văn hóa phi vật thể gồm đờn ca tài tử cải lương Nam bộ; hát múa lâm thôn Khmer.

Đến tham quan U Minh Thượng dĩ nhiên không thể bỏ qua hành trình khám phá di sản văn hóa - lịch sử, cũng như thưởng ngoạn khung cảnh hùng vĩ độc đáo chỉ có ở vùng đất này. Mùa đẹp nhất của U Minh Thượng có lẽ là mùa nước nổi, tầm tháng 8 đến tháng 11. Du khách đến U Minh Thượng lúc này sẽ đắm chìm trong mênh mông là màu xanh của rừng tràm, màu xanh của nước. Thời điểm này, lữ khách sẽ được ngồi trên vỏ lãi - một loại thuyền độc đáo của dân bản địa và dạo quanh rừng tràm xanh mát mắt. Vỏ lãi nhẹ nhàng trôi, đưa người ta chiêm ngưỡng những khu vực lạ lùng ở U Minh Thượng, như Máng Dơi, Trảng Dơi, Trảng Chim... nơi tập trung nhiều giống dơi, giống chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Thuê xuồng câu cá trên các dòng kênh ngập tràn hoa súng, mênh mông trời nước cũng là một trải nghiệm tuyệt vời mà lữ khách đến U Minh Thượng không thể bỏ qua.

Người dân U Minh Thượng nổi tiếng hiếu khách. Khách đến thăm vùng, làm quen, rồi được dân rước về nhà, bày tiệc thết đãi với những món đặc sản trong vùng là chuyện “thường tình ở huyện”. Vừa thoăn thoắt tay làm món cá lóc nướng trui, anh Nguyễn Minh Hải, cư dân U Minh Thượng hồ hởi: “Đã tới đây là khách, mà đã là khách là không được khách sáo nghe hôn. Cứ từ từ ở đây mấy ngày, ăn món của U Minh Thượng rồi là tương tư luôn, bởi món ngon nơi đây đi đâu cũng không gặp được”.

Trên mâm cơm đãi khách của người dân U Minh Thượng thường có các món ăn như cá lóc nướng trui, mắm cá lưỡi cây, cá rô kho trái giác, lẩu mắm với rau rừng..., đúng là cả nguyên liệu món ăn lẫn hương vị không nơi nào có được.

Nghề gác kèo ong - di sản phi vật thể rừng U Minh Hạ

Nếu như U Minh Thượng chứa đựng nét đẹp thiên nhiên kì vĩ, khoáng đạt, với các di tích lịch sử, văn hóa nổi trội, phát triển du lịch mạnh thì vùng đất U Minh Hạ với những rừng tràm mênh mông và thiên nhiên còn rất hoang sơ, tập trung theo hướng bảo tồn và nghiên cứu.

Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Nơi đây có hệ sinh thái mang đậm dấu ấn vùng đất Phương Nam với hệ động thực vật vô cùng phong phú.

Nơi đây có một nghề vô cùng đặc biệt của cư dân bản địa, không đâu có, đó là nghề gác kèo ong. Có lẽ không ai rõ nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ bắt đầu từ gia đình nào và khi nào, chỉ biết đây là nghề truyền thống lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể nói, nghề gác kèo ong đã bắt đầu xuất hiện từ lúc khai hoang mở cõi, xứ này bắt đầu có dân, khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XIX.

Nghề gác kèo ong U Minh Hạ, di sản phi vật thể cấp Quốc gia. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Cà Mau)

Nghề gác kèo ong U Minh Hạ, di sản phi vật thể cấp Quốc gia. (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Cà Mau)

Thuở xa xưa, người dân U Minh Hạ, như bao nơi khác, luôn tìm cách lấy mật ong khi ong tự làm tổ trong rừng. Sau đó, theo quan sát, cư dân bản địa nhận ra rằng ong rừng U Minh Hạ có tập tính thích làm tổ ở các thân cây nghiêng trong rừng. Những người săn tổ ong ngày xưa đã nghĩ ra cách làm “độc đáo”, là gác những thân cây nghiêng nghiêng lên các cành cây tự nhiên để làm một “nhà ong”, dụ dỗ ong đến làm tổ, lấy mật. Sáng kiến ấy đem lại hiệu quả không ngờ, nhiều người cùng nhau làm theo, thế là nghề gác kèo ong “có một không hai” ở U Minh Hạ ra đời.

Tất nhiên, đâu phải chỉ gác cành cây nghiêng nghiêng lên thân cây thì có thể có ngay tổ ong để thụ hưởng, nếu đã như thế thì lại chẳng phải là một nghề. Người làm nghề gác kèo giỏi cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm và bí quyết gia truyền. Phải thực sự yêu rừng, tâm huyết với nghề, hiểu rõ từng khu vực của rừng và tập tính của đàn ong.

Chọn được nơi gác kèo làm sao cho thích hợp cũng không phải chuyện dễ dàng. Đầu tiên, người gác kèo phải chọn được trảng nào rậm rạp, nhiều nước, nhưng cũng phải bảo đảm có đầy đủ ánh sáng mặt trời. Có như thế mới “chiêu dụ” được những đàn ong khó tính về làm tổ, làm mật.

Vào tháng 11 - 12 hằng năm, mùa mưa vừa hết, khi rừng U Minh hoa tràm nở rộ, các loài ong bay về chọn những nhánh tràm nằm xiên để đóng tổ. Ngay trước thời điểm ấy là thích hợp để gác kèo. Và 20 ngày sau khi gác kèo, người gác kèo đã có thể đi kiểm tra kèo của mình để thu hoạch những tổ ong ăm ắp mật.

Có thể nói, nghề gác kèo ong là một nghề mang đặc trưng địa phương U Minh Hạ rất đậm nét, nó chứa đựng trong đó những dấu ấn của thời khai hoang, mở đất. Những giọt mật ong gác kèo là kết tinh của tinh thần sáng tạo, chịu thương chịu khó, sống hòa nhịp với đất trời, thiên nhiên của người dân nơi đây. Chính vì thế, sản phẩm ong gác kèo của U Minh Hạ mới thơm ngon, lạ vị đến thế. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số 4613/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019 chính là để ghi nhận tinh thần ấy, cũng là để người dân thêm tự hào, góp phần gìn giữ và phát huy cái nghề truyền thống của cha ông.

Đọc thêm