Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Sốp Cộp đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với tập trung các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi chính sách đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Sốp Cộp là vùng cao biên giới nằm ở phía tây nam tỉnh Sơn La, đồng thời còn là một huyện “sinh sau đẻ muộn” trên miền núi Tây Bắc, cuối năm 2003 mới được thành lập bởi tách ra từ 8 xã và của huyện Sông Mã. Thời điểm ấy Sốp Cộp nghèo khó vô cùng, bởi cả 8 xã đều trong diện đặc biệt khó khăn, 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, dân thiếu đất, thiếu vốn canh tác, sản xuất, điện lưới chưa có, đường núi gập ghềnh.
Thế nhưng, chỉ vài năm trở lại đây, Sốp Cộp đã chuyển mình tích cực, từng ngày đổi thay, đồng bào dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú… cũng ấm no hơn trước nhiều. Đặc biệt, trên chặng đường xây dựng và phát triển, năm nào huyện cũng cơ bản đạt kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5%, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tiêu chí nghèo đa chiều còn 30% và phấn đấu đến năm 2025 xuống dưới 20%.
|
Ông Vũ Văn Quân - Phó chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp cho biết: "Để vùng cao biên giới có điều kiện phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, trong những năm qua địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình như 30a, 135, 167 và tập trung huy động các nguồn lực, nguồn vốn, trong đó chú trọng đến nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư kịp thời, hiệu quả cho công tác giảm nghèo, nhanh, bền vững.".
“Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, các cấp ủy Đảng huyện Sốp Cộp đã triển khai thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Cụ thể các cấp ủy Đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” - Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp khẳng định.
|
Điểm giao dịch vay vốn tại xã |
Ông Nguyễn Thế Cần - Giám đốc NHCSXH huyện chia sẻ: "Suốt 22 năm qua, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn được tiếp thêm động lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện Sốp Cộp. Cụ thể đến ngày 30/6/2024, số vốn ngân sách trực thuộc đã chuyển sang NHCSXH là 4.406 triệu đồng, góp phần nâng tổng nguồn vốn đạt 368.668 triệu đồng".
|
Cán bộ tín dụng thăm hộ dân vay vốn. |
Hết thẩy nguồn vốn hơn 360 tỷ đồng đó từ NHCSXH cấp trên chuyển về, do đơn vị tích cực huy động nguồn tiền tiết kiệm trong dân cư và nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung ủy thác, đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Sốp Cộp chuyển tải kịp thời đến đúng các địa chỉ và đối tượng thụ hưởng.
Từ đó góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn. Qua đó khơi dậy ý chí tự lực của người dân vượt qua khó khăn, không chỉ chăm lo lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
|
Hộ dân sản xuất hiệu quả, tham gia các gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm. |
Điển hình như gia đình ông Tòng Văn Phong, ở bản Pói Lanh, xã Mường Và. Cách đây không lâu, ông Phong còn thuộc diện hộ nghèo nhưng từ khi được tuyên truyền về ưu việt của đồng vốn vay ưu đãi qua các hội đoàn thể, ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ chăm sóc chu đáo, đàn bò đã phát triển thành 5 con, giúp ông trả hết nợ vay và tự sửa nhà ở kiên cố. Mới đây gia đình ông lại được vay tiếp 80 triệu đồng để mở rộng cơ sở chăn nuôi.
|
|
Cũng ở xã Mường Và, 90 hộ dân ngụ tại bản Nà Mòn đã sử dụng vốn chính sách tham gia chuyển đổi cây trồng, từ ruộng lúa, đồi sắn thu nhập thấp sang trồng cam, hộ ít thì vài chục gốc, hộ nhiều thì có đến 4 ha. Năng suất trung bình đạt trên 10 tấn quả/ha. Có hộ đồng bào dân tộc thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây cam.
|
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nhiều hộ dân dần trở nên khấm khá hơn. |
Tiêu biểu có anh Lò Văn Thuần là một trong những hộ đầu tiên của bản chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng, anh Thuần cho biết: “Thời điểm ban đầu, gia đình tôi chuyển gần 1 ha cây lương thực sang trồng cam, vừa trồng, vừa học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Cũng có lúc nản lòng, thoái chí, bỡ ngỡ, nhưng may mà trời không phụ lòng người, trung bình mỗi năm gia đình thu hoạch gần 10 tấn quả. Giờ đây, chúng tôi đã thành lập HTX với 11 thành viên, có 12 ha cam".
Theo anh Thuần, quá trình chăm sóc vẫn luôn được gia đình anh chú trọng việc ứng dụng sản xuất sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc từ hữu cơ, sinh học để chăm sóc cây cam. Nhờ đó mà cây luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Quả cam to, mẫu mã đẹp, ít hạt, mọng nước, hương vị thơm ngọt, nên giá bán duy trì ổn định từ 30-35.000 đồng/kg. Hàng năm, ngay từ đầu vụ, các thương lái đã đặt trước để thu mua cam. Vụ cam vừa rồi, gia đình anh còn không có hàng mà bán. Bà con có thu nhập ổn định từ cây cam, ai cũng vui, phấn khởi.
|
Cùng với cây cam, khắp Mường Và là những cánh đồng lúa trải dài bất tận. Mường Và là xã có diện tích lúa nước lớn nhất huyện với các giống lúa nếp tan hin, tan nhe và tan đỏ, trồng chủ yếu ở các bản Mường Và, Nà Lửa, Huổi Ca, Huổi Niểng… chiếm gần 80% diện tích ruộng toàn xã, cho sản lượng trên 1.000 tấn thóc/năm .
"Đồng vốn chính sách đã giúp nhân dân vùng cao biên giới chuyển đổi cơ cấu sản xuất thành công, thoát cái nghèo đeo bám. Mọi người mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, kết hợp tham quan và tìm hiểu ở các địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu tương tự để nghiên cứu trồng cây gì, nuôi con gì cho phát triển kinh tế vùng còn lạc hậu/ Sau hơn 10 năm thử nghiệm, trải qua nhiều thất bại, chính quyền địa phương đã quyết chọn để đưa vào trồng thử nghiệm cây cam tại bản Nà Môn", ông Lò Văn Thơm, Phó chủ tịch UBND xã Mường Và thông tin.
Có lên vùng núi cao biên giới Sốp Cộp mới thấy hết và rõ ràng ý nghĩa từng việc làm của những cán bộ tín dụng chính sách đã bền bỉ chuyển tải đồng vốn ưu đãi của Nhà nước về tận làng bản, xa xôi hẻo lánh. Đồng thời luôn thực hiện việc “3 bám” gồm bám dân, bám bản, bám đối tượng để “3 cùng” cùng làm, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả.
|
Chính nhờ sự tận tâm, nhiệt thành với những việc làm thiết thực, các cán bộ tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có Chỉ thị 40 đã khơi thông dòng chảy vốn tín dụng chính sách về tới thôn bản giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng.
Có thể khẳng định từ một huyện có quá nhiều khó khăn nhưng sau 10 năm triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phủ kín miền núi cao rộng hơn 1477 km2, thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần giúp địa phương đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
|
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ việc cấp phát cho không sang cho vay có điều kiện với lãi suất ưu đãi từ đó làm giảm tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời đã tạo điều kiện cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn sửa chữa nhà ở, mua sắm các công cụ, dụng cụ phát triển sản xuất, xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia, phát triển sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, tăng thu nhập ổn định đời sống…
Nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH đã được đầu tư đúng đối tượng, phát huy hiệu quả góp phần vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và việc làm trên địa bàn huyện được các cấp chính quyền cùng Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đạt được những thành tích đó, Giám đốc NHCSXH huyện Sốp Cộp - Nguyễn Thế Cần cho rằng phải có sự chung tay của cả chính quyền địa phương và ngân hàng: "Trước hết cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc thực hiện Chỉ thị 40 và Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Trên cơ sở đó, NHCSXH đã và tiếp tục bền bỉ chung sức, đồng lòng tập trung huy động, các nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng an toàn mọi nguồn vốn chính sách về khắp bản làng, đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đạt bằng được thắng lợi trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên miền núi cao biên giới".