Hà Tĩnh đa dạng các hình thức tuyên truyền giảm nghèo về thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Tĩnh còn 3,04%, giảm 0,75% so với năm 2022. Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo.
Tập huấn nâng cao năng lực và trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Ảnh: PV
Tập huấn nâng cao năng lực và trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững, tỉnh Hà Tĩnh xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng vì thế thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, linh hoạt, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm.

Bà Phạm Thị Thùy - công chức Văn hóa xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: Là xã thuộc vùng bãi ngang ven biển các xa trung tâm huyện nên công tác giảm nghèo về thông tin rất được địa phương quan tâm. Sau khi tập huấn, cán bộ văn hóa, trưởng thôn tuyên truyền miệng đến từng hộ dân, đồng thời lồng ghép trong các cuộc họp để phổ biến những thông tin thiết yếu, thiết thực giúp người nghèo có thêm nghị lực để vươn lên.

Ông Phan Văn Lĩnh – Trưởng phòng Văn hóa và Truyền thông huyện Nghi Xuân cho biết: Giảm nghèo về thông tin cũng được xem là một “lối mở” giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững.

Từ thực tiễn này, huyện đã phối hợp với Sở TT&TT tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho 100% cán bộ, lực lượng làm công tác thông tin từ huyện đến cơ sở có đủ kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt công tác giảm nghèo về thông tin.

Cùng đó, Trung tâm Văn hóa – Truyền thông huyện sản xuất hàng trăm tin, bài về các điển hình tiên tiến, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở được Nghi Xuân xem là một “kênh” hết sức quan trọng.

Cán bộ Sở TT&TT Hà Tĩnh truyền đạt phương pháp truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin tại huyện Nghi Xuân. Ảnh: PV

Cán bộ Sở TT&TT Hà Tĩnh truyền đạt phương pháp truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin tại huyện Nghi Xuân. Ảnh: PV

Từ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của mỗi người dân, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã và đang đạt kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện từ 5,24 % hộ nghèo năm 2021 đến nay giảm xuống còn 2,19%, hộ cận nghèo giảm còn 2,68%. Huyện cơ bản đã kiểm soát và hạn chế thấp nhất hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh.

Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức trong đó chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH, đại diện Ban thường vụ Hội LHPN các phường, xã; tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn; chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn.

Trang bị cho cán bộ làm công tác giảm nghèo được truyền đạt các chuyên đề như: Tổng quan hệ thống các chính sách giảm nghèo, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; công tác đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo trên địa bàn Hà Tĩnh. Thông qua đó, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng được nâng cao nghiệp vụ rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025; phương pháp truyền thông về giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin; quy trình, hồ sơ, thủ tục, đối tượng vay vốn ưu đãi từ ngân hàng CSXH.

Các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; phổ biến những gương điển hình, mô hình giảm nghèo có hiệu quả đến với người dân. Nhờ đó đã góp phần tạo sự chuyển biến mới trong ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân về công tác giảm nghèo. Triển khai tốt các hoạt động nâng cao năng lực giám sát đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực để trang bị đầy đủ kiến thức trong quá trình triển khai nhiệm vụ.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản có tính chiến lược, dài hạn như: Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Đọc thêm