Tín dụng chính sách góp phần nâng cao năng lực cán bộ Hội Phụ nữ

(PLO) - Đối với địa bàn khó khăn của tỉnh nghèo Lào Cai thì kênh tín dụng chính sách vô cùng quan trọng và thời gian qua đã đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên
Cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên

“Thông qua hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), các cấp hội phụ nữ (HPN) trong tỉnh đã phát huy vai trò trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho phụ nữ, nhất là hộ phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em phát huy tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, góp phần phát triển phong trào của Hội, gắn hội viên với Hội, với chính quyền địa phương và với Đảng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững”...”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai Lê Thị Thu Hà khẳng định tại Hội nghị tổng kết 05 năm tín dụng chính sách tại vùng Tây Bắc mới diễn ra tại tỉnh Lào Cai.

Hiện Hội LHPN Lào Cai đang quản lý 9 cơ sở hội cấp huyện, 164 hội cấp xã và 639 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoạt động trên địa bàn. Đến hết tháng 8/2016, tổng dư nợ HPN quản lý là 593 tỷ đồng với 19.890 hộ vay còn dư nợ thuộc 639 Tổ TK&VV, tăng 143 tỷ đồng so với năm 2011, trong đó nợ quá hạn 0,5 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 0,09% (giảm so với năm 2011 là 0,15%). HPN là đơn vị ủy thác có dư nợ cao nhất và có chất lượng dư nợ tốt nhất toàn tỉnh Lào Cai. 

Thời gian qua, doanh số cho vay ủy thác thông qua HPN tỉnh Lào Cai đạt 679,5 tỷ đồng với 34.964 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; giúp trên 3,9 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; cho vay 1.880 căn nhà ở cho hộ nghèo, cho vay 6.500 công trình nước sạch và 6.350 công trình vệ sinh hợp chuẩn quốc gia; thu hút và tạo việc làm cho 3.214 lao động. Nguồn vốn cho vay đã được hội viên đầu tư vào đàn trâu, bò trên 39 nghìn con, chăn nuôi lợn trên 138 nghìn con; trồng rừng, trồng cây thảo quả trên 1500ha…

Bà Lê Thị Thu Hà khẳng định: “Để đạt được kết quả trên, Hội LHPN tỉnh thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý dân chủ, công khai từ cơ sở khi thực hiện tín dụng chính sách, phục vụ tốt người dân, giúp các đối tượng chính sách được tiếp cận với dịch vụ tài chính, tín dụng của NHCSXH”.

Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội phụ trách hoạt động uỷ thác và Ban quản lý Tổ TK&VV về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả đồng vốn, bảo toàn nguồn vốn. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, ngăn chặn kịp thời hiện tượng lợi dụng vốn tín dụng chính sách trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, các cấp HPN cơ sở luôn luôn phối hợp với các Tổ TK&VV gắn vốn vay của các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, định hướng thị trường,... Đây cũng là quan điểm được bà Bùi Thị Quỳnh - Tổ trưởng Tổ TK&VV  thôn Đo Ngoài, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng đồng tình.

Nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giúp cho 14.038 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo, tiêu biểu có hộ bà Chu Thị Hồng, dân tộc Tày, ở thôn Mai Hạ, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên. Từ một hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, năm 2009, được sự hướng dẫn của HPN xã, gia đình bà đã được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để đầu tư nuôi trâu sinh sản. Tới nay, gia đình bà Hồng đã thoát nghèo, đã trả hết số tiền vay NHCSXH. Hiện gia đình bà đã và đang vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả trong thôn, tài sản hiện có có một xe tải trở hàng, mở đại lý phân bón, mở xưởng gỗ thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động. 

Để bổ sung nguồn vốn cho vay, đồng thời tạo ý thức thói quen tiết kiệm cho hội viên, HPN các cấp tổ chức tuyên truyền tới tổ viên làm tốt việc thực hành tiết kiệm thông qua các Tổ TK&VV với mức gửi mỗi tháng từ 10 - 50 nghìn đồng. Hiện, 98% hộ nghèo và các đối tượng chính sách tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV với số dư tiền gửi đạt 11 tỷ đồng, số dư tiền gửi bình quân 553 nghìn đồng/hộ. Nhờ đó, các khoản nợ đến hạn được trả dứt điểm, việc trả lãi cũng đã được các hộ thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao. 

Sự cố gắng, phấn đấu trong những năm vừa qua của Hội LHPN tỉnh Lào Cai đã được các cấp, các ngành và NHCSXH công nhận, luôn là đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác ủy thác cho vay. 

Đọc thêm