“Sức bật” từ 5 triệu tiền vay cho hộ nghèo
Đi qua những dải đồi xanh mướt phủ kín những cây cam, ruộng mía, chúng tôi đến thăm nhà chị Phạm Thị Hải, thôn Nam Thái, hộ vay vốn NHCSXH từ năm 2005 khi còn là đối tượng hộ nghèo và hiện nay đã trở thành hộ kinh tế khá, tấm gương tiêu biểu về làm kinh tế thoát nghèo tại địa phương.
Tiếp đón chúng tôi tại ngôi nhà 2 tầng mới xây kiên cố là người phụ nữ dễ mến, gương mặt nhìn trẻ hơn cái tuổi gần 60, thể hiện tin thần thoải mái, cuộc sống viên mãn của gia đình chị. Vậy nhưng khi hỏi về những ngày khó khăn, chị Hải không kìm được nước mắt: “Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, chả có gì, hai vợ chồng chủ yếu đi làm thuê làm mướn, các con thì đang lo học, ngày 28 Tết mà trong nhà không có đến bát gạo mà ăn. 5 triệu đồng vay chương trình hộ nghèo của NHCSXH là quý lắm, là vốn thay đổi đời tôi”.
Năm 2005, chị Hải xin tham gia vào Tổ tiết kiệm vay vốn thuộc Hội Cựu chiến binh và được bình xét vay 5 triệu đồng vốn hộ nghèo từ NHCSXH. Theo phong trào chuyển đổi cây trồng tại địa phương, gia đình chị đầu tư chủ yếu trồng mía. Nhờ công vun vén chăm sóc, cây mía lại được mùa, được giá, sau 3 năm, hoàn trả vốn vay, gia đình chị lại xin tiếp tục được vay 15 triệu vốn hộ nghèo và dồn sức thuê đất, mở rộng thêm vườn mía.
Có kinh nghiệm và tâm huyết, gia đình chị nhanh chóng thoát nghèo. Đến năm 2014, chị đã có trong tay 0,2 ha mía tím, 2 ha cam chuẩn bị cho thu hoạch và 6,700 cây cam mới trồng năm thứ nhất. Cộng với chăn nuôi thêm gia cầm, hàng năm gia đình chị có nguồn thu ổn định trên 300 triệu. “Mấy năm nay thấy cây trồng có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên tôi quyết tâm chuyển đổi dần, cũng vẫn nhờ nguồn vốn vay NHCSXH giúp sức đấy”, chị Hải cho biết thêm. Hiện tại gia đình chị đang tiếp tục vay 47 triệu từ nguồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư phân bón và 12 triệu để cải tạo nước sạch vệ sinh từ NHCSXH.
Cùng Tổ tiết kiệm vay vốn với chị Hải là gia đình chị Bùi Thị Định, người dân tộc Mường, trước đây vốn là hộ nghèo của thôn lại nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, nhà nghèo tưởng chừng như không cải thiện nổi. Nhờ có vốn NHCSXH đầu tư trồng mía, gia cảnh nhà chị mới có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống. 3 đứa con chị lần lượt vay vốn học sinh sinh viên theo học Cao đẳng, Đại học. Giờ đây, các con chị đều đã tốt nghiệp, có công ăn việc làm. Gia đình chị cũng đã thoát khỏi cảnh nghèo.
Đầu năm 2016, chị Định tiếp tục xin vay 30 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ NHCSXH để chuyển đổi bớt diện tích trồng mía sang trồng cam với gần 1 ha cam đang hứa hẹn đem lại những khoản thu nhập cao, giúp gia đình vươn lên làm giàu. Chị Định cho biết: “Có vốn NHCSXH nhà tôi mới có ngày hôm nay, thời gian khó khăn đã đi qua rồi, các con tôi đã học hành xong, nhà cũng đã có chút kinh tế thoát cảnh nghèo, giờ yên tâm sản xuất thôi”.
Mong địa phương dành thêm vốn cho người dân
Câu chuyện của chị Hải, chị Định là hai trong những trường hợp ở huyện Cao Phong đã thoát nghèo nhờ sử dụng đúng nguồn vốn được vay từ NHCSXH. Nhiều năm qua, NHCSXH đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người dân trong huyện, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Chị Phạm Thị Hiên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn của chị Hải, chị Định cho biết, đời sống của bà con nghèo ở thôn Nam Thái giờ đã thay đổi nhiều nhờ nguồn vốn NHCSXH và sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương, hội đoàn thể trong công tác hướng dẫn bà con làm kinh tế và tuyên truyền vận động bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi trả nợ đúng hạn. Nhờ thế mà Tổ chị phụ trách có 50 thành viên với dư nợ gần 2 tỷ nhưng không có nợ xấu trong mấy năm qua.
Tính đến 30/6/2016, tổng nguồn vốn NHCSXH huyện Cao Phong đạt 197.982 triệu đồng, tổng dư nợ đạt 197.276 triệu đồng với 10.962 khách hàng vay vốn, trong đó chủ yếu là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ mới thoát nghèo và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1% tổng dư nợ nhờ công tác phối hợp tốt giữa chính quyền, hội đoàn thể và NHCSXH trong việc đối chiếu, phân tích nợ, rà soát và đôn đốc thu hồi các khoản tồn đọng.
Ông Phí Cao Thành - Giám đốc NHCSXH huyện Cao Phong - cho biết: “Những năm qua, NHCSXH luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, hội đoàn thể làm tốt công tác cho vay vốn phát triển sản xuất, hướng dẫn bà con, đồng hành cùng bà con để phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn chính sách. Tuy nhiên, hiện tại nguồn vốn vẫn là một khó khăn của NHCSXH, đặc biệt là vốn cho vay hộ nghèo, khi theo chuẩn nghèo đa chiều mới, số hộ nghèo đã tăng từ 15,8% năm 2015 lên 26,85% vào năm 2016. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của NHCSXH, rất mong được địa phương quan tâm giúp bố trí thêm nguồn vốn vay cho bà con”.