Tín dụng chính sách mang mùa xuân đến người nghèo miền núi Tân Sơn

(PLVN) - Những ngày cận Tết Ất Tỵ 2025, không khí giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi tại vùng miền núi phía tây nam tỉnh Phú Thọ trở nên tất bật và khẩn trương. Dù công việc bận rộn, ông Tăng Tiến Sỹ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Tân Sơn, vẫn dành thời gian đồng hành cùng các phóng viên đến thăm các bản làng xa xôi, gặp gỡ những hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc đang gặp khó khăn, lắng nghe câu chuyện của họ về cách sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư sản xuất và cải thiện đời sống.
Cuộc sống của người dân Tân Sơn, Phú Thọ đang ngày càng ổn định từ khi có nguồn vốn tín dụng chính sách.
Cuộc sống của người dân Tân Sơn, Phú Thọ đang ngày càng ổn định từ khi có nguồn vốn tín dụng chính sách.

Thoát nghèo trước kế hoạch

Từng là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, Tân Sơn đã vươn lên mạnh mẽ, sớm thoát khỏi danh sách huyện nghèo từ năm 2018, vượt trước hai năm so với kế hoạch. Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm đều đặn 1,7% mỗi năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 14,7%, và đến mùa xuân này, con số ấy đã giảm xuống gần 13%, minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân nơi đây.

Theo đánh giá của đại diện Huyện ủy, UBND huyện Tân Sơn, thành tích đạt được trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị còn có sự tham gia tích cực của nhân dân và những đóng góp tích cực hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm đưa Chỉ thị số 40/CT-TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” vào cuộc sống.

Thực tế, thời gian qua, dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã chảy đều đặn về khắp bản làng, đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Minh chứng là gia đình anh Phùng Văn Đàn, người dân tộc Mường xã Tân Sơn đã sử dụng số tiền vay từ NHCSXH huyện Tân Sơn (50 triệu đồng) để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Bước đầu anh Đàn mua 4 con bò, vừa nuôi vừa kết hợp làm nông nghiệp. Sau 1 thời gian nuôi, đến nay anh Đàn đã có đàn bò 12 con, thu nhập và cuộc sống dần ổn định và trả hết nợ ngân hàng.

Cán bộ NHCSXH đến thăm mô hình chăn nuôi bò của người dân.

Cũng giống như vợ chồng anh Đàn, bà Hà Thị Anh Lâm ngụ khu Cón, xã Thu Cúc được vay 100 triệu đồng vào đầu năm 2022 từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH Tân Sơn. Bà Lâm đã sử dụng quá nửa số tiền vay đó xây 5 gian chuồng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, mở rộng quy mô chăn nuôi đàn Dúi sinh sản. Phần còn lại, bà đầu tư đào ao thả cá, trồng chè sạch để mỗi năm xuất bán hàng chục tấn cá trắm, trôi, chép… và bán nguyên liệu chè búp tươi cho nhà máy, nâng thu nhập gia đình tới 200 triệu đồng/năm.

Mang mùa xuân đến người nghèo

Ông Tăng Tiến Sỹ, Giám đốc NHCSXH huyện Tân Sơn hồ hởi cho biết, các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước được NHCSXH tổ chức thực hiện hiệu quả bởi được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của ngân hàng cấp trên, lãnh đạo địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể cùng tinh thần nỗ lực vượt khó, tận tâm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách. Đây là động lực chính cho huyện vùng cao Tân Sơn từng là “rốn nghèo” của tỉnh Phú Thọ trở mình vươn lên.

Hộ nghèo , hộ dân tộc thiểu số khó khăn ở vùng cao Tân Sơn sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất.

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Sơn, tính đến hiện tại, cùng các nguồn vốn khác, đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH với tổng dư nợ của 18 chương trình trên địa bàn huyện Tân Sơn đạt gần 650 tỷ đồng với 10.937 khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm 2024 đã giúp cho 3.176 lượt khách hàng được vay vốn, với số tiền cho vay lên đến 161.385 triệu đồng, trong đó có 1.192 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới 886 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 200 lao động (trong đó có 60 lao động đi làm việc tại nước ngoài); cho vay phát triển sản xuất kinh doanh tại xã vùng khó khăn đến 841 khách hàng; đặc biệt có 12 gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn giúp họ tái hòa nhập với cộng đồng, có việc làm, dần ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời đối với khách hàng vay vốn bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi) như: Gia hạn nợ, cho vay bổ sung, tạm dừng chưa thu lãi….với mong muốn người dân bị ảnh hưởng nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống.

Cán bộ NHCSXH đến thăm mô hình sản xuất của người dân.

Trên chặng đường 22 năm liên tục, bền bỉ, tận tâm hoạt động theo Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chỉ thị 40 của Ban Bí thư, NHCSXH huyện Tân Sơn đã góp phần không nhỏ vào thành công của chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Dòng chảy vốn tín dụng chính sách luôn được khơi thông, phủ kín toàn địa bàn vùng cao Tân Sơn rộng lớn, suốt chặng đường 22 năm qua. Với quyết tâm vừa huy động vốn nhanh, vừa phòng chống thiên tai, dịch bệnh tốt, tổng doanh số cho vay năm 2024 của NHCSXH huyện Tân Sơn đạt 161.385 triệu đồng, với 3.176 lượt khách hàng được vay vốn.

Toàn bộ nguồn vốn do huy động, tạo lập được đã được đưa về tận nơi ở của các hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc khó khăn thông qua hệ thống Điểm giao dịch xã và mạng lưới Tổ TK&VV dân cư. Cùng với đó việc phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, góp phần thực hiện tốt việc bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn ưu đãi.

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang là công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên vùng miền núi Tân Sơn. Thời gian tới với những người làm tín dụng chính sách ở Tân Sơn sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ, an toàn mọi nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững.

Đọc thêm