Tín dụng chính sách xã hội: Góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% xuống 4,3%

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh Hương Diệp).
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh Hương Diệp).

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”, do Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hôm qua (16/8).

Trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta. Đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân.

Tín dụng CSXH đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực. Nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, giúp bảo đảm an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương. Các chương trình tín dụng CSXH đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cần mở rộng đối tượng cho vay, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Trình bày tham luận với tiêu đề “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) trong thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng với tín dụng CSXH”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, thời gian qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH để triển khai, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách đi vào cuộc sống với hiệu quả ngày càng nâng cao.

Qua hơn 8 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư và hơn 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, công tác tín dụng CSXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã huy động được hàng trăm nghìn tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách ở 100% xã, phường, thị trấn của cả nước, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các đối tượng CSXH, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức, triển khai thực hiện tín dụng CSXH. Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 87.356 đoàn giám sát, trong đó tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực xã hội, công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện chính sách an sinh xã hội…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, bất cập trong việc triển khai tín dụng CSXH; kiến nghị, đề xuất bổ sung, sửa đổi những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Các đại biểu cho rằng, một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng CSXH; đặc biệt, việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH có lúc chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của các đối tượng thụ hưởng.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện vẫn còn nhiều lao động và người khó khăn chưa tiếp cận được nguồn vốn chính thống, họ vẫn phải “vay nóng”, vay từ “tín dụng đen”. Từ thực tế này, ông Hồi kiến nghị quy mô nguồn vốn tín dụng CSXH cần được tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi trong thời gian 5 năm, 10 năm tới. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nâng định mức vay cao hơn, thời gian vay dài hơn, mở rộng đối tượng cho vay sang người có thu nhập rất thấp, cho vay phát triển kinh tế hộ gia đình...

Dẫn thực tế từ địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, khi phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khả năng đáp ứng về lao động qua đào tạo rất khó khăn, đòi hỏi phải đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân. Bởi vậy, ông Thái đề nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm và đề xuất với Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay để đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Số liệu từ Ngân hàng CSXH cho thấy, nguồn vốn tín dụng CSXH trong những năm qua đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học... Nguồn vốn cũng đã giúp xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội…

Đọc thêm