Tín dụng đen hoành hành dịp cận Tết, cảnh giác trước ‘bẫy lừa’

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cận Tết là thời điểm vấn nạn ‘tín dụng đen’ diễn biến phức tạp. Lợi dụng nhu cầu chi tiêu cuối năm tăng cao  các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau nhằm ‘giăng bẫy’ người vay. Trước thực trạng này, lực lượng chức năng đã và đang tăng cường các biện pháp truy quét, trấn áp tội phạm tín dụng đen nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực trạng, cách nhận diện tội phạm tín dụng đen

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra cảnh báo, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các đối tượng sẽ lợi dụng lòng tin và tâm lý ham rẻ của người dân, đưa ra các chương khuyến mãi, mua hàng giá rẻ... khiến không ít người “sập bẫy”.

Thực tế cho thấy mặc dù cơ quan chức năng liên tục triệt phá các nhóm đối tượng hoạt động cho vay với lãi, tuy nhiên, bằng nhiều hình thức, tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp với nhiều chiêu thức ngày càng tinh vi. Hiện nay nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng xã hội (nhóm kín trên Zalo, Telegram, Facebook…) để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và lôi kéo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, chủ yếu liên quan đến "tín dụng đen", cướp tài sản, cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác.

Thời điểm cận Tết, lực lượng chức năng đã liên tiếp triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen với quy mô rất lớn, lãi suất 'cắt cổ'. Mới đây nhất ngày 5/2, Công an huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) bắt giữ Bùi Thị Hương (SN 1986; ngụ huyện Thạch Thành) về hành vi cho vay tín dụng đen. Theo điều tra, từ cuối năm 2019 đến nay, Bùi Thị Hương đã cho nhiều người dân nghèo trên địa bàn vay tín dụng đen với lãi suất cao, thu lời bất chính trên 600 triệu đồng.

Trước đó ngày 2/2, đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với quy mô hơn 20.000 tỷ đồng được Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước triệt xóa, khởi tố 103 bị can. Đây là đường dây hoạt động cho vay lãi nặng online lớn nhất từ trước đến nay trên toàn quốc.

Đường dây này đã tổ chức cho hơn 01 triệu người trên toàn quốc vay thông qua ứng dụng trên điện thoại di động, với lãi suất hơn 2.300%/năm, số tiền cho vay lãi nặng lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 8 nghìn tỷ đồng; tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam trên 5 nghìn tỷ đồng. Trải qua 2 giai đoạn, đến nay đã có 103 bị can bị khởi tố.

Một vụ khác do người nước ngoài cầm đầu cho vay với lãi suất lên đến 1.000%/năm cũng vừa bị Công an TP Đà Nẵng triệt xóa, bắt 27 đối tượng. Nhóm này đã thành lập 10 công ty, thuê người, phân chia thành các bộ phận để sử dụng mạng xã hội quảng cáo, tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động cho vay thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động và giao nhận tiền vay. Đối tượng đã cho hơn 1,3 triệu người vay với lãi suất từ 500 - 1.000%/năm....

Có thể thấy, tín dụng đen dưới bất kì hình thức nào, người vay đều phải trả với lãi suất “cắt cổ”. Khi người vay chưa kịp thanh toán, các chủ nợ lập tức nhắn tin đe dọa, thóa mạ trên mạng xã hội; rồi người nhà, người quen cũng bị tấn công khủng bố tinh thần. Táo tợn hơn có nhóm đối tượng còn tổ chức tạt sơn, bôi chất bẩn lên tường nhà; bắt cóc người vay, gắn định vị theo dõi, hành hung đe dọa… Điều này dẫn đến những hậu quả khôn lường, nhiều nạn nhân rơi vào tình cảnh cùng quẫn.

Tội phạm tín dụng đen được tổ chức dưới nhiều hình thức, trong đó tập trung vào 3 hình thức cơ bản gồm: Hoạt động tín dụng dưới hình thức truyền thống, thường tập trung ở những địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp có đông công nhân; các đối tượng cho vay có sự thỏa thuận trực tiếp giữa người cho vay và người vay nhưng lãi suất vượt quá mức lãi suất cho vay mà pháp luật quy định.

Hình thức thứ 2 là truyền thống kết hợp với công nghệ cao. Hoạt động cho vay thường núp bóng dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính để hoạt động, hình thức này cũng có sự thỏa thuận trực tiếp giữa người cho vay và người vay, đồng thời sử dụng mạng xã hội để mời gọi người vay với ưu đãi hấp dẫn để dụ người vay.

Hình thức thứ 3 đang là xu thế các đối tượng nhắm đến, đó là sử dụng công nghệ cao. Các đối tượng phạm tội sử dụng các website để mời gọi, tổ chức cho vay, thông qua ưu đãi để thuận lợi lừa người dân, sau đó thông qua hoạt động của các tổ chức tội phạm để ép buộc. Hình thức này các đối tượng hoạt động giấu mặt, rất khó điều tra, phát hiện.

Cảnh giác trước ‘bẫy tín dụng đen’ dịp cận Tết

Để giải quyết căn cơ nạn tín dụng đen, các chuyên gia tài chính cho rằng, người dân hãy tìm đến nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay vốn. Cùng với đó, người dân cần tích cực tham gia tố giác tội phạm; khi phát hiện các đối tượng nghi vấn đến địa bàn cư trú hoặc có biểu hiện hoạt động phạm tội “tín dụng đen” thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, chính quyền địa phương để có biện pháp đấu tranh phòng ngừa…

Về phía lực lượng chức năng, Bộ Công an và Công an các địa phương đã chủ động nắm và dự báo tình hình, từ đó đề ra nhiều nhóm giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra khám phá các vụ án kịp thời.

Bộ Công an đề nghị gia đình, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm quản lý con em, học sinh, nhân viên tham gia các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội để kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội xảy ra.

Kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu các công ty cung ứng dịch vụ mạng xã hội nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội, nhóm, tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức đấu tranh với các hệ loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm gây phát sinh những hệ lụy xấu trong xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi hướng dẫn người khác phạm tội trên mạng; hành vi lợi dụng không gian mạng lôi kéo, tập hợp băng nhóm tội phạm.

Đề nghị cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, trường học, Công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan báo chí, người có uy tín, ảnh hưởng trên mạng xã hội tiếp tục chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm, nâng cao nhận thức người dân về việc phòng ngừa, phát hiện tội phạm để kịp thời báo cáo, tham gia cùng lực lượng Công an xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích gia tăng tín dụng cho vay tiêu dùng. Đồng thời, triển khai gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Trường hợp người dân vay tiền gặp vấn đề liên quan đến đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cần đến ngay cơ quan Công an trình báo để được đảm bảo quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật./.

Đọc thêm