Tín hiệu đáng mừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại phiên làm việc của UBTVQH sáng 10/4, một ĐBQH thuộc đoàn Hà Nội trình bày Tờ trình xây dựng Luật Bản dạng giới. Trước đó, Cổng thông tin điện tử Quốc hội hôm 7/2 cũng đã công bố hồ sơ dự án Luật Bản dạng giới do ĐBQH này thực hiện.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Theo ĐBQH này, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản; khẳng định sự tôn trọng quyền tự xác lập bản dạng giới của một công dân. Luật sẽ đảm bảo người chuyển giới được sống bình đẳng; hoàn thiện pháp luật về quyền con người phù hợp với chủ trương, đường lối của Việt Nam và tình hình mới.

Vị ĐBQH đề xuất cơ quan thẩm quyền xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính cũng như điều kiện, hồ sơ, thủ tục với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính và can thiệp y học; đề nghị bổ sung dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật năm 2024 và trình tại Kỳ họp 7.

Phản hồi ý kiến, đại diện Ủy ban Pháp luật cho biết cơ quan của Quốc hội đánh giá cao tâm huyết của vị ĐBQH trong xây dựng hồ sơ và đồng tình với sự cần thiết của dự án luật. Tuy nhiên, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật chưa có ý kiến của Chính phủ; phạm vi điều chỉnh chưa cụ thể; còn một số nội dung cần hoàn thiện; nhiều nội dung chính sách có sự giao thoa với chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang chủ trì.

“Đây là dự luật khó, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật chưa làm rõ cơ sở chính trị và thực tiễn”, đại diện Ủy ban Pháp luật nói, đề nghị vị ĐBQH đánh giá tác động kỹ để hoàn thiện hồ sơ, trình UBTVQH, Quốc hội xem xét.

Cũng tại phiên họp, đánh giá dự án, một số ý kiến của người có thẩm quyền đánh giá còn nhiều nội dung trong dự án luật này phải nghiên cứu kỹ. Trong đó, một số nội dung rất khó lượng hóa để đưa vào điều chỉnh pháp luật. Việc chuyển đổi giới tính không đơn thuần chỉ là quy định về can thiệp y khoa dẫn đến điều chỉnh thông tin về hộ tịch mà sẽ thay đổi một loạt nhóm, vấn đề khác nhau trong hệ thống pháp luật. Việc chuyển đổi giới tính có thể phải điều chỉnh khoảng 10 nội dung nằm ở các luật hiện hành như Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Việc làm, các chế độ, chính sách tiền lương và đảm bảo nguồn lực thực hiện sau này.

Kết luận, lãnh đạo Quốc hội đề nghị làm rõ tên luật là Luật Chuyển đổi giới tính hay Luật Bản dạng giới do Bộ Y tế chủ trì. Hồ sơ dự án luật cần làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội dung và thời gian trình, theo nguyên tắc một cơ quan làm.

“Nếu Chính phủ nói việc này liên quan tới nhiều luật, từ nghĩa vụ quân sự đến tiền lương, tiền thưởng, lao động, việc làm, bình đẳng giới nên Chính phủ nhận trách nhiệm xây dựng thì ĐBQH cần thông cảm”, lãnh đạo Quốc hội nói và giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, một số bộ, ngành khác làm việc với vị ĐBQH, báo cáo xin ý kiến Chính phủ để thống nhất nội dung.

Trước hồ sơ dự án Luật Bản dạng giới, một ĐBQH khác từng chủ trì xây dựng Luật Hành chính công, được UBTVQH đồng ý xây dựng, cho ý kiến. Tuy nhiên, dự luật bị rút khỏi chương trình xây dựng luật vì bị đánh giá còn nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đủ chất lượng trình ra Quốc hội.

Chắc chắn, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, sẽ chỉ chấp nhận các dự án luật có chất lượng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của xã hội; nhưng việc một số ĐBQH chủ trì xây dựng dự án luật, cho thấy đó là tín hiệu đáng mừng, là hoạt động của Quốc hội nói chung và từng cá nhân ĐBQH nói riêng, ngày càng chuyên nghiệp, thực chất, vì nhân dân.

Đọc thêm