Tín hiệu vui trong lĩnh vực học nghề

(PLVN) - Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi. Đáng nói trong số này có đến hơn 233.000 em không đăng ký xét tuyển đại học mà chỉ xét tốt nghiệp, có những địa phương có con số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học rất cao. Thực tế này cho thấy có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của phụ huynh và học sinh về vấn đề học nghề. 
Tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp trường nghề ngay sau khi tốt nghiệp khoảng 85%. (Hình minh họa)
Tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp trường nghề ngay sau khi tốt nghiệp khoảng 85%. (Hình minh họa)

Tỉnh có hơn 40% thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học

Ngày 7/5/2019, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Nghệ An có hơn 32.400 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, hơn 13.000 thí sinh thi để xét tốt nghiệp, chiếm 41%. Đây là tỉ lệ cao nhất trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, ngoài các thí sinh trường dân lập, tư thục, nhiều thí sinh trường công lập cũng không đăng ký xét tuyển đại học. 

Cụ thể, một số trường THPT công lập có tỉ lệ này rất cao như THPT Cửa Lò 2 đến 82,5% không đăng ký xét tuyển đại học trong tổng số 239 em lớp 12, tiếp đến là THPT Nam Yên Thành (32%), THPT Hoàng Mai 2 (27%), THPT Tương Dương 2 (28%). 

Nhận xét về vấn đề này, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho rằng, vài năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh ở Nghệ An đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng giảm do nhiều phụ huynh học sinh lo ngại học đại học xong không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề... như thực tế đã diễn ra. Do đó, phụ huynh đã hướng con em mình theo xu hướng thi để tốt nghiệp THPT xong sẽ theo học nghề.

Ở TP HCM  năm nay cũng có 10 nghìn học sinh chủ động không đăng ký thi đại học mà quyết định sẽ đi học nghề. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, trong quá trình tư vấn tuyển sinh tại các trường có thể nhận thấy học sinh đã có sự thay đổi trong suy nghĩ.

Nhiều em đã quan tâm, tìm hiểu đến việc học nghề tùy vào năng lực, khả năng của mình mà không còn có suy nghĩ phải bằng mọi giá vào đại học nữa. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020  TP HCM sẽ có 30% học sinh phân luồng học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề.  

Thừa thầy, thiếu thợ và nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, “điệp khúc” này có thể sẽ chấm dứt khi có hàng chục nghìn em học sinh quyết định học nghề ngay từ cấp ba thay vì chỉ chăm chăm vào con đường duy nhất là thi vào đại học. Đó là nhận định của Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH. 

Theo Tiến sĩ Dũng, sự thay đổi ở các địa phương phản ánh sự thay đổi nhận thức của gia đình và bản thân các em học sinh về vấn đề nghề nghiệp cũng như phản ánh nỗ lực của các cơ quan liên quan và chính sách trong việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ khác, trong đó có giáo dục nghề nghiệp.

Trước nay trong chương trình học THCS đã tạo điều kiện cho các em có tiếp cận nghề, mới đây để thay đổi nhận thức về học nghề hơn nữa, Chính phủ đã có đề án hướng nghiệp với nhiều cách tiếp cận để giúp các em có thể chọn nghề lựa chọn cho mình con đường học nghề, lập nghiệp phù hợp. 

85% học sinh có việc sau khi tốt nghiệp trường nghề

Hài lòng với quyết định của mình đó là tâm lý chung của các học viên trường nghề. Em Nguyễn Minh Hiếu ở Phú Thọ là học viên Khoa Động lực tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho biết, học nghề là thời gian ngắn nhất có thể tiếp cận và thực hiện ước mơ của em từ nhỏ là hàng ngày được chạm tay vào động cơ máy, được vặn những con ốc…  

Bên cạnh đó lý do nữa để em quyết định học nghề là để kiếm công việc ổn định vì đã thấy nhiều anh chị cùng quê học xong đại học khó xin được việc làm.

Tại các trường đào tạo nghề, song song với học nghề, các kiến thức văn hóa cũng sẽ được giảng dạy và áp dụng ngay vào nghề các em đang học như kiến thức toán học, vật lý trong nghề sửa chữa ô tô…

Như vậy, so với các bạn khác còn đằng đẵng con đường học phía trước kéo dài gần chục năm mà chưa biết tương lai thế nào, các em học sinh chọn con đường học nghề đã biết trước con đường mình đã chọn, ra đời mình sẽ làm gì. 

Theo Tiến sĩ Dũng, tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp trường nghề đã tăng 5% thời gian gần đây, đưa con số học sinh trường nghề có việc ngay sau khi tốt nghiệp lên 85%. Tại nhiều lễ tốt nghiệp ở các trường nghề, doanh nghiệp đã đến để tuyển người luôn với mức thu nhập bình quân nhiều ngành nghề rất tốt. 

Được biết, tại kỳ thi tay nghề thế giới được tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga vào tháng 8/2019 tới, sẽ có 24 nghề về kỹ năng tương lai được đưa vào kỳ thi lần này (bao gồm: vi sinh học nông nghiệp, các giải pháp dựa trên blockchain, mô hình xây dựng thông tin, công nghệ composite, nhà máy kỹ thuật số, thiết kế thời trang kỹ thuật số, trang trại kỹ thuật số, vận hành vật thể bay không người lái, an toàn hệ thống an ninh doanh nghiệp, công nghệ số doanh nghiệp, công nghiệp 4.0, kết nối vạn vật, quản lý vòng đời sản phẩm…).

Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH, hầu hết những nghề mới trên đều là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và doanh nghiệp trên thế giới, kéo theo những tư duy mới, công nghệ mới sẽ xuất hiện trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Dũng, phân luồng học nghề là vấn đề đã được nhiều quốc gia quan tâm và thực hiện thành công. Ví dụ như Nhật Bản với mô hình đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao Kosen (là hệ thống các trường đào tạo kỹ thuật quốc lập tại Nhật Bản được thành lập năm 1961 để đáp ứng nhu cầu đào tạo kỹ sư cho khối sản xuất công nghiệp khi nền kinh tế Nhật Bản đang ở mức phát triển vượt trội).
Đến năm 2016, trên cả nước Nhật có 63 trường Kosen với các khoa Điện, Điện tử, Tin học, Viễn thông, Cơ khí, Xây dựng, Kiến trúc, Hàng hải….  Trường Kosen tuyển học sinh tốt nghiệp THCS với độ tuổi khoảng 15. Hiện Chính phủ Nhật đang nỗ lực giới thiệu mô hình Kosen đến các nước trong đó có Việt Nam.

Đọc thêm