Vào tháng 1/2023, Trung Quốc dỡ bỏ yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch trong nước và bắt đầu cấp thị thực cho cư dân đi du lịch nước ngoài. Tính đến nay, Trung Quốc cho phép công dân đi du lịch theo đoàn tới 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, phải đến ngày 15/3, Trung Quốc mới mở lại hoàn toàn biên giới cho người nước ngoài bao gồm khách du lịch sau ba năm đóng cửa vì COVID-19.
Ngành du lịch Việt Nam đã lên phương án, chuẩn bị để đón du khách từ thị trường Trung Quốc trong nhiều tháng qua, như các hoạt động kích cầu du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, phương án đón khách, chuẩn bị cho mùa “cao điểm” sắp tới, …
Việt Nam đón đoàn khách Trung Quốc đầu tiên
Tín hiệu đáng mừng gần nhất với ngành du lịch Việt Nam là vào chiều ngày15/3, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), hơn 124 du khách Trung Quốc đầu tiên đi theo đoàn do các công ty du lịch tổ chức đã nhập cảnh vào Việt Nam, đánh dấu việc khai thông du lịch xuyên biên giới Việt – Trung sau dịch COVID-19, theo thông tin từ Đài truyền hình Lạng Sơn.
Đoàn khách Trung Quốc chờ nhập cảnh vào Việt Nam vào chiều ngày 15/3. (Ảnh: Báo Văn hoá) |
Tại lễ đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên vào tham quan Việt Nam năm 2023, đại diện lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Tổng cục Du lịch đã tặng quà và giới thiệu sơ bộ với khách về những chính sách, sản phẩm du lịch Việt Nam sau dịch COVID -19.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện hết sức thuận lợi, các dịch vụ chất lượng để đón các đoàn khách Trung Quốc trở lại. Hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc trước giai đoạn dịch COVID-19 là hết sức tốt đẹp, mang lại lợi ích chung cho nhân dân 2 nước, đóng góp thiết thực cho việc vun đắp tình hữu nghị Việt- Trung.”
Đoàn khách đi tour 3 ngày 2 đêm tại Việt Nam từ ngày 15 - 17/3 và sẽ tham quan các điểm đến như: Quảng trường Ba Đình, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
Bà Lương Vân Yến, một trong những khách du lịch Trung Quốc trong đoàn chia sẻ với báo chí rằng: “Cả đoàn khách rất hào hứng, phấn khởi được tới Việt Nam du lịch. Chúng tôi chọn Việt Nam vì đất nước các bạn có nhiều phong cảnh đẹp, con người thân thiện. Nhiều điểm đến của Việt Nam như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc... khách rất thích”.
Trung Quốc là thị trường gửi khách quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. (Ảnh: Báo Văn hoá) |
Thị trường đầy tiềm năng và thách thức
Cùng ngày 15/3, một đoàn khách khác bao gồm 19 người, đại diện doanh nghiệp du lịch Lạng Sơn đã xuất cảnh sang du lịch và khảo sát điểm đến Trung Quốc.
Trong thời gian tới, nhiều công ty lữ hành tại Việt Nam sẽ có thể thực hiện các cuộc khảo sát các điểm đến tại Trung Quốc, kết nối các tour ra nước ngoài. Đây là một hoạt động quan trọng để khai thác thị trường du lịch tại đất nước tỷ dân khi các điểm đến tại Trung Quốc đang là mục tiêu của nhiều ngành du lịch các quốc gia trên thế giới.
Việc nối lại cấp thị thực cho du khách quốc tế đánh dấu nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh nhằm bình thường hóa du lịch hai chiều giữa Trung Quốc và thế giới.
Bên cạnh đó, quốc gia tỷ dân cũng mở rộng số lượng điểm đến quốc tế đối với công dân nước này lên thành 60 quốc gia, nhằm thúc đẩy sự phục hồi ngành du lịch quốc tế của Trung Quốc.
Thống kê cho thấy, lượng đặt chỗ của người dân Trung Quốc cho các chuyến bay quốc tế trong tháng 2 đã tăng gấp đôi so với tháng 1, với số lượng tìm kiếm thị thực tăng gấp 6 lần.
Du khách Trung Quốc hào hứng khi đặt chân đến Việt Nam. (Ảnh: Báo Văn hoá) |
Du khách Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam. Trước dịch, cứ 3 khách quốc tế đến Việt Nam là có 1 khách Trung Quốc do đó, ngoài Thái Lan, Singapore thì Việt Nam cũng là điểm đến được nhiều công ty du lịch Trung Quốc dự báo là điểm đến hot thời gian tới.
Dự báo khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng mạnh nhất từ tháng 6, vào mùa nghỉ hè và kéo dài đến Tết. Tiếp đến là thị trường châu Âu - thiên đường mua sắm hàng hiệu của giới nhà giàu Trung Quốc trước đây.
Công ty Citic Securities ước tính, số lượng chuyến bay quốc tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ bằng 50 đến 60% so với mức ngay trước đại dịch và sau đó sẽ vượt mốc vào năm 2024, theo tờ Japan Times (Nhật Bản).
Trên thực tế, các hãng hàng không Trung Quốc đã tăng cường đáp ứng nhu cầu kể từ khi mở cửa trở lại, bổ sung các tuyến quốc tế sau khi chính phủ cho phép nối lại du lịch nước ngoài theo đoàn.
Mặt khác, theo tờ Financial Times (Anh), việc Trung Quốc nối lại các tour du lịch nước ngoài có thể mang lại hơn 200 tỷ USD cho ngành du lịch quốc tế. Trước dịch, Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất thế giới, với hơn 170 triệu chuyến đi và đóng góp 253 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Như vậy, ngành du lịch Việt Nam muốn đón đầu, thu hút khách du lịch Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều sự cạnh tranh từ ngành du lịch các quốc gia trên thế giới.