Tin tức tiêu dùng nổi bật 24 giờ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Công Thương đề xuất phương án mới tính giá điện sinh hoạt; Bảo vệ thành công thương hiệu gạo ST24, ST 25 tại Australia; Miễn phí, giảm giá cho người dân khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số... là những tin tức kinh tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện sinh hoạt còn 4 hoặc 5 bậc. (Ảnh minh họa).
Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện sinh hoạt còn 4 hoặc 5 bậc. (Ảnh minh họa).

Bộ Công Thương đề xuất cách tính giá điện mới

Bộ Công thương mới có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương lấy ý kiến biểu giá điện sinh hoạt mới. Theo đó, sẽ rút từ 6 bậc xuống 5 bậc và 4 bậc, bậc 1 giá.

Theo Bộ Công thương, biểu giá điện bán lẻ hiện tại được xây dựng từ năm 2014 và đến nay cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi lớn với tỷ trọng rất cao của các nguồn năng lượng tái tạo.

Tham khảo từ đơn vị tư vấn, phương án giá điện theo 1 bậc không áp dụng được trên thực tế. Các phương án điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện cho mục đích sinh hoạt được đưa ra 3, 4, 5 bậc và Đề án đưa ra các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 5 bậc.

Cụ thể, Bậc 1: Áp dụng cho 100 kWh đầu tiên; giá điện mới là 1.753 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 1.678-1.734 đồng/kWh).

Bậc 2: Từ 101-200 kWh; giá điện mới đề xuất là 2.014 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.014 đồng/kWh ).

Bậc 3: Từ 201-400 kWh; giá điện mới đề xuất là 2.424 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.536 - 2.834 đồng/kWh).

Bậc 4: Từ 401-700 kWh; giá điện mới đề xuất là 2.871 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh).

Bậc 5: Từ 701 kWh trở lên; giá điện mới đề xuất là 3.076 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh).

Phương án này giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 - 700 kWh và trên 700 kWh.

Các bậc từ 101 - 200 kWh và 201 - 300 kWh cũng được giữ nguyên trong khi giá điện cho các bậc từ 401 - 700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Trên cơ sở phân tích ý kiến của tư vấn, Bộ Công thương đề xuất 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.

Phương án 1 là giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 - 100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (chiếm 33,48% số hộ). Nhược điểm của phương án này là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Phương án 2 là cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc: bậc 1 cho 100 kWh đầu tiên, bậc 2 cho kWh từ 101 - 300, bậc 3 cho kWh từ 301-700 và bậc 4 cho kWh từ 701 trở lên.

Theo Bộ Công thương, phương án 4 bậc sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng.

Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm chỉ tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%.

Ngoài ra, Bộ cho rằng phương án 4 bậc sẽ có tác dụng thấp hơn trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.

Bảo vệ thành công thương hiệu gạo ST 24, ST 25 tại Australia

Ngày 5/10, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, trong ngày 21/9 vừa qua, Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) đã công bố vụ việc đăng ký nhãn hiệu gạo ST24, ST25 với nội dung: “Hết hiệu lực/Không bảo vệ - Lapsed/Not Protected”.

Điều này có nghĩa là việc đăng ký thương hiệu gạo ST24, ST25 “Rice; Best Rice of The World” của Công ty T&L đã không thành công, không được đăng ký.

Nhãn hiệu gạo ST 24, ST 25 được bảo vệ thành công tại Úc.

Nhãn hiệu gạo ST 24, ST 25 được bảo vệ thành công tại Úc.

Trước đó, năm 2021, IP Australia công bố tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “Gạo; Gạo ngon nhất thế giới - Rice; Best Rice of The World” ST24, ST25 của Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD.

Ngay sau đó, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã thông tin với các bên và gửi thư cùng các tài liệu chứng minh tới tới IP Australia để bày tỏ không đồng ý về việc đăng ký thương hiệu này đối với gạo ST24 (số đăng ký 2173157), ST25 (số đăng ký: 2173156).

Năm 2021, khi tiến hành vụ việc, Thương vụ nhận định, dù theo luật Australia việc bị mất nhãn hiệu ST24, ST25 là không cao, nhưng vẫn phải tiến hành phòng tình huống bất ngờ trong việc vận dụng luật tại Australia khi Bạn không có đủ thông tin (ST24, ST25 là tên giống lúa). Ngoài ra, các nhà nhập khẩu rất lo lắng, nên phải có động thái để nhà nhập khẩu yên tâm tiếp tục nhập và xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, việc bảo vệ nhãn hiệu còn là dịp quảng bá với thị trường Chương trình xúc tiến “Việt Nam - Vùng đất của gạo ngon nhất thế giới” do Thương vụ triển khai đã giúp gạo Việt phủ sóng kể cả ở bang xa xôi là Lãnh thổ Bắc Australia.

Miễn phí, giảm giá cho người dân khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ Thông tin - Truyền thông đã chính thức phát động chương trình “Tháng 10 – tháng tiêu dùng số” với các chương trình ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% giá sản phẩm, dịch vụ.

Các chương trình ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số hướng đến 2 nhóm đối tượng: nhóm đã và đang sử dụng dịch vụ số (nhằm tăng thêm thời lượng sử dụng cho họ) và nhóm đối tượng người dùng mới (nhằm khuyến khích người dân tham gia kênh số, sử dụng sản phẩm dịch vụ số).

Nhiều chính sách ưu đãi lớn trong “Tháng 10 – tháng tiêu dùng số”.

Nhiều chính sách ưu đãi lớn trong “Tháng 10 – tháng tiêu dùng số”.

Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp tham gia chương trình với 10 nhóm ưu đãi nổi bật, bao gồm: viễn thông, thanh toán số, thương mại điện tử, tên miền quốc gia.VN, chữ ký số, an toàn thông tin mạng, giao thông, giáo dục, y tế và sách điện tử.

Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông như: Viettel, VinaPhone, MobiFone khuyến mại 50% giá trị thẻ nạp sử dụng các kênh trực tuyến trong 2 ngày 10 – 11/10; Tặng 3 tháng cước khi mua 6 tháng cước dịch vụ; tặng 6 tháng cước dịch vụ khi mua 12 tháng cước dịch vụ đối với tất cả các gói cước cho khách hàng đăng ký lắp đặt dịch vụ internet cáp quang qua kênh trực tuyến (website, ứng dụng di động hoặc tổng đài telesale) từ ngày 1 – 31/10.

Các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki… áp dụng chính sách giảm 50% giá cước vận chuyển hoặc tối đa 25.000 đồng đối với mỗi đơn hàng dưới 10 kg, 15.000 đồng đối với mỗi đơn hàng dưới 5 kg; giảm 50% hoặc tối đa 200.000 đồng khi mua hàng trong tháng 10.

Người dân sẽ được giảm giá 15% khi đặt vé xe khách tại VeXeRe trong tháng 10 sử dụng mã giảm giá “CDSQGVXR22”.

Các ứng dụng gọi xe trực tuyến Be Bike, Grab Bike và Grab Car sẽ giảm giá tới 20% cho những chuyến xe của toàn bộ người dùng trên ứng dụng trong tháng 10.

Ngoài chính sách ưu đãi chung kể trên, từng doanh nghiệp còn có nhiều chính sách riêng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Các chính sách ưu đãi tiêu dùng số sẽ liên tục được cập nhật trên Cổng thông tin chuyển đổi số quốc gia tại địa chỉ dx.gov.vn.

Ớt tươi Trung Quốc nhập khẩu không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm của Việt Nam

Trong chương trình giám sát an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu 2022, Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phát hiện lô hàng ớt tươi Trung Quốc không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm của Việt Nam.

Ớt tươi Trung Quốc tồn dư hóa chất diệt côn trùng.

Ớt tươi Trung Quốc tồn dư hóa chất diệt côn trùng.

Theo đó, mẫu ớt kiểm tra được lấy trong ngày 22/8 thuộc lô hàng có khối lượng 20 tấn, nhà xuất khẩu là Công ty phát triển nông nghiệp Tần Giang Chiêu Thông (đường Phượng Hoàng, quận Chiêu Dương, thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), nhà nhập khẩu là Công ty TNHH một thành viên kinh doanh xuất nhập khẩu An Thịnh (173 Đăng Châu, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Mẫu ớt bị phát hiện có tồn dư chất Lambda-cyhalothrin, là hóa chất diệt côn trùng với hàm lượng 0,5 mg/kg trong khi hàm lượng tối đa mà Việt Nam cho phép là 0,3 mg/kg.

Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn gởi đến Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đề nghị chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các Chi cục bảo vệ thực vật để kiểm tra chặt các lô hàng ớt nhập khẩu của doanh nghiệp phía Trung Quốc.

Cục này cũng gửi công văn đến Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đề nghị chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các chi cục bảo vệ thực vật để kiểm tra chặt các lô hàng ớt nhập khẩu của doanh nghiệp phía Trung Quốc và Việt Nam.