Theo quy hoạch, cao tốc này có quy mô 6 làn xe, giai đoạn phân kỳ đầu tư dài 128,8km. Đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông 27,8km, qua tỉnh Bình Phước 101km. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 25.500 tỷ đồng, gồm gần 12.800 tỷ đồng vốn Nhà nước, còn lại do nhà đầu tư thu xếp.
Dự kiến dự án được triển khai thành 5 dự án thành phần, đầu tiên là cao tốc đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành theo phương thức đối tác công - tư (loại hợp đồng BOT), thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm. Bốn dự án thành phần còn lại là giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, triển khai theo hình thức đầu tư công.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Giải trình một số vấn đề đại biểu nêu trong phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng qua (17/6), Bộ trưởng GTVT cho hay một số đại biểu vẫn băn khoăn về tiến độ dự án. Ví dụ có ý kiến cho rằng nếu dự án khởi công đầu 2025 thì hết năm 2026 có xong không?
Từ những kinh nghiệm chúng ta đã có trong thời gian qua khi triển khai hàng ngàn km cao tốc, đại diện Bộ GTVT đánh giá thời điểm triển khai dự án đang có nhiều thuận lợi. Theo tính toán, thời gian tối đa để làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành chỉ khoảng 1,5 năm. Nếu 2025 khởi công thì hết 2026 sẽ hoàn thành dự án. Tiến độ này khả thi, có thể thực hiện được.
Một trong những khó khăn, vướng mắc nhất khi xây cao tốc là đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã giải phóng mặt bằng xong, chuẩn bị sẵn sàng cho khởi công dự án. Hai địa phương này cũng bố trí đủ trữ lượng mỏ vật liệu để phục vụ xây dựng.
Về nguồn vốn và khả năng hoàn vốn, Bộ GTVT tính toán cho rằng đây là dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 năm, tương đối tốt so với các dự án trước đây; thời gian hoàn vốn ngắn nên phù hợp với các nhà đầu tư và được các ngân hàng đồng tình; là yếu tố phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.
Từ nhiều năm nay, người dân vùng Đông Nam Bộ khi đi các tỉnh Tây Nguyên và ngược lại theo đường QL13 và QL14 đã phải chịu cảnh kẹt xe, đường nhỏ, đèo dốc quanh co, nguy cơ có thể xảy ra tai nạn. Vì vậy, việc dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để có thể sớm khởi công và đi vào vận hành như nêu trên, thực sự là tin vui với người dân vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Dự án cũng từng bước hoàn thiện mạng lưới cao tốc, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương; tăng liên kết vùng và nội vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.