Theo CEC, ngoài số người ủng hộ nói trên, có 21,16% phiếu bầu không ủng hộ những sửa đổi trong Hiến pháp Nga. Tỷ lệ cử tri đi bầu, theo cập nhật mới nhất, là 65%.
Cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc về các sửa đổi trong hiến pháp đã kết thúc tại Nga lúc 21h00, giờ Moscow ngày 1/7.
Việc bỏ phiếu bắt đầu ở Nga vào ngày 25/9. Ngày bỏ phiếu chính thức theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ngày 1/7 nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên thời gian bỏ phiếu đã được kéo dài trong một tuần, từ ngày 25/6 đến ngày 1/7.
Việc kiểm đếm phiếu bầu bắt đầu từ 20h00 ngày 1/7, giờ địa phương, khi các trạm bỏ phiếu đóng cửa.
Cùng với thời gian bỏ phiếu kéo dài (từ ngày 25/6 đến ngày 1/7), người Nga còn có thể bỏ phiếu tại các khu vực bỏ phiếu được tổ chức đặc biệt bên ngoài các khu vực bỏ phiếu, bao gồm ngoài trời hoặc sử dụng bỏ phiếu không tiếp xúc tại nhà hay ứng dụng bỏ phiếu di động.
Ngoài ra, cư dân của Moscow và khu vực Nizhny Novgorod có thể bỏ phiếu trực tuyến.
Các sửa đổi trong Hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực nếu được ủng hộ bởi hơn một nửa số người tham gia bỏ phiếu.
Các sửa đổi trong Hiến pháp Nga đề xuất mở rộng quyền hạn của Quốc hội và Tòa án Hiến pháp nước này, cố định về số nhiệm kỳ của tổng thống, mở rộng các nghĩa vụ của chính phủ trong lĩnh vực xã hội.
Những sửa đổi này quy định rằng nguyên thủ quốc gia Nga chỉ có thể phục vụ 2 nhiệm kỳ nhưng một trong những sửa đổi đề xuất rằng tổng thống hiện tại có thể được bầu lại nếu phiên bản mới của Hiến pháp có hiệu lực.
Nếu sửa đổi này được thông qua, ông Putin, 67 tuổi, vốn đã nắm quyền ở Nga hơn 2 thập kỷ, sẽ được tiếp tục tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2024.
Theo AFP, những thay đổi trong Hiến pháp Nga được đưa ra trưng cầu ý dân hiện nay đã được Quốc hội Nga thông qua vài tuần trước. Tuy nhiên, ông Putin đã thúc đẩy cuộc bỏ phiếu toàn quốc nói trên để đảm bảo tính hợp pháp của những cải cách này.
Những thay đổi được đề xuất khác là về cải thiện phúc lợi xã hội, định nghĩa hôn nhân (là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người phụ nữ) và việc phân chia lại quyền lực hành pháp trong chính phủ, củng cố quyền lực tổng thống.
Một sửa đổi đảm bảo mức lương tối thiểu của người dân Nga sẽ không thấp hơn mức sinh hoạt tối thiểu. Một điều khác quy định rằng lương hưu nhà nước sẽ được điều chỉnh hàng năm theo lạm phát.