Những câu chuyện thấm đẫm tình người
Cơn bão số 3 (bão Yagi) mang theo trận cuồng phong dữ dội đổ ập lên Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Bắc đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho người dân. Cảnh tượng đổ nát, hoang tàn vẫn còn hiện rõ, phản ánh những mất mát và khó khăn mà hàng triệu người dân đang phải gánh chịu. Những tưởng đó đã là đau thương tận cùng trong tháng 9, thế nhưng cơn bão số 3 vừa qua thì hoàn lưu bão gây mưa lũ, ngập lụt lại đến, một loạt địa phương rơi vào cảnh ngập lụt, sạt lở. Những tin dữ như lũ quét, sạt lở đất, cầu sập, người mất tích, người bị cô lập bởi nước lũ, xe khách bị cuốn trôi... liên tục ập tới. Tất cả tạo nên một khung cảnh đau thương, mất mát đến nghẹn lòng.
Thế nhưng, bên cạnh những thông tin về sức ảnh hưởng và mức độ tàn phá khủng khiếp của bão lũ, những hình ảnh cảm động về tình người, về những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ đồng bào giảm thiểu thiệt hại, chung tay vượt qua khó khăn, hoạn nạn cũng hiện diện khắp nơi. Một lần nữa, tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái của người dân Việt Nam trở thành điểm sáng giữa bão lũ, là minh chứng rõ nét cho sức mạnh dân tộc vượt qua thời điểm khó khăn, gian khổ.
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ một loạt video được chia sẻ trên các diễn đàn mạng vào ngày 7/9 ghi lại hình ảnh những chiếc xe ô tô nối đuôi nhau tạo thành lá chắn di động, che chắn cho xe máy lưu thông an toàn trên các cầu tại Hà Nội (Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân…) hay khoảnh khắc hai chiếc xe cùng chắn gió cho một người đi đường. Đây đều là những tư liệu quý giá ghi lại những hành động tuy nhỏ nhưng lay động lòng người của các tài xế giữa thời tiết giông bão.
Sau khi các video được chia sẻ, nhiều người trên các diễn đàn mạng xã hội đã gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe đến những tài xế. Trong hoàn cảnh mưa bão khắc nghiệt, đôi bên dù không hề quen biết nhau nhưng nhiều người vẫn được các tài xế tốt bụng giúp đỡ. Thậm chí, video về hành động nghĩa cử này không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong nước mà còn gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế. Họ bày tỏ sự cảm động trước tinh thần tử tế của người Việt Nam và cho rằng những hình ảnh này đã củng cố niềm tin của họ vào lòng tốt và tính nhân văn vẫn tồn tại trên thế giới.
Là người có mặt trên cầu Vĩnh Tuy vào lúc bão số 3 chỉ còn cách Hà Nội 200km, anh Thành Trung (27 tuổi, Hà Nội) cho biết, lúc đó gió to và mưa lớn khiến việc di chuyển của những người đi xe máy trở nên rất khó khăn. Nhận thấy tình hình khẩn cấp, anh cùng một số tài xế ô tô đã quyết định giảm tốc độ và ra tín hiệu che chắn cho xe máy qua cầu một cách an toàn. “Khi đó, không ai bảo ai, chúng tôi đều tự giác làm việc này. Hành động của chúng tôi xuất phát từ mong muốn giúp đỡ người dân an toàn chứ không mong cầu lời khen ngợi hay cảm ơn”, anh Thành Trung chia sẻ.
Cũng trong ngày 7/9, khi cơn bão chuẩn bị ập vào Thủ đô Hà Nội, thời điểm mọi người đã yên ấm ở trong nhà tránh bão thì vẫn còn đó những mảnh đời lưu lạc, cơ nhỡ không biết đi về đâu. Lúc này, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc hỗ trợ lẫn nhau của người dân Việt Nam lại hiện diện rõ nét. Hàng loạt thông tin về các địa chỉ cung cấp nơi ở miễn phí cho người vô gia cư đã được chia sẻ rộng rãi. Với tốc độ nhanh chóng, những bài đăng, tổng hợp danh sách các địa chỉ căn hộ, chung cư mini cùng số điện thoại liên hệ đã kịp đến những người cần, giúp nhiều người gặp khó khăn tìm được nơi trú ẩn an toàn khi siêu bão đang cận kề. Đáng nói, không chỉ cung cấp chỗ ở, có người còn sẵn sàng trả tiền gọi taxi đưa người cơ nhỡ về tận nhà, cung cấp đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm miễn phí...
Cùng với Hà Nội, tại các địa phương khác, hành động của các chủ khách sạn ở nơi bị ảnh hưởng bởi bão cũng rất đáng khâm phục. Tại Thái Nguyên, một khách sạn đã hỗ trợ miễn phí gần 30 phòng nghỉ để mọi người tránh lũ, trong khi một khách sạn ở Quảng Ninh sẵn sàng cung cấp 13 phòng nghỉ miễn phí cho những ai cần tránh bão. Có thể nói họ là những người đặt an toàn của đồng bào lên trên hết, không vì lợi nhuận mà chỉ vì lòng nhân ái và trách nhiệm.
Chưa dừng lại ở đó, dù cơn bão số 3 mới đi qua và người dân ở những vùng “tâm bão” vẫn đang gồng mình đối diện với thiệt hại, vậy nhưng khi nghe tin mưa lũ hoành hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nước ở các con sông, con suối vẫn dâng lên không ngừng, họ - những người vừa bị tổn thương sẵn lòng chung tay giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Tại Quảng Ninh, địa phương mới bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, nhà cửa, đường phố chỉ là đống đổ nát nhưng người dân không nề hà lên đường đi cứu trợ cho các tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Hay tại nơi khúc ruột miền Trung gánh chịu lũ lụt thường xuyên, không chỉ gửi lương thực cứu trợ, người dân nơi đây còn tình nguyện ra miền Bắc hỗ trợ vùng bão. Có lẽ câu nói vui “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá… tả tơi” bỗng nhiên thật đúng trong trường hợp này.
Phát huy lòng nhân ái - giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc
Trong hoàn cảnh bão lũ hoành hành, những thông tin về sự tương trợ và đồng lòng của người dân trên khắp cả nước chợt làm lòng người thêm dịu lại. Từ những hành động giúp đỡ nhỏ bé đến những lời kêu gọi lớn lao đều thật trân quý. Những câu chuyện, hình ảnh tưởng chừng như nhỏ bé ấy lại chứa đựng giá trị to lớn về lòng nhân ái và sự sẻ chia. Những người đang giúp đỡ nhau có thể không quen biết nhau và có thể sẽ không bao giờ gặp lại trong cuộc đời, nhưng họ vẫn sẵn sàng hỗ trợ vì họ hiểu rằng họ đang giúp đỡ đồng bào của mình trong thời điểm khó khăn.
Thực tế, tình cảm thiêng liêng ấy không chỉ xuất hiện trong thời điểm hiện tại mà từ bao đời nay, con người Việt Nam luôn mang tình thương yêu đối với đồng bào, với những người gặp khó khăn và sẵn lòng giúp đỡ không màng danh lợi. Truyền thống “lá lành đùm lá rách” và “thương người như thể thương thân” vẫn được gìn giữ và phát huy, ngay cả trong cuộc sống hiện đại đầy đổi thay và xô bồ.
Vẫn còn nhớ trong đại dịch COVID-19, thắng lợi của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch được xem là bắt nguồn từ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một trong số đó chính là lòng nhân ái, một giá trị văn hoá lay động đến từng con tim, khối óc. Ngày đó, lòng nhân ái của người dân Việt Nam hiện lên rõ nét qua những hành động cụ thể và thiết thực của tất cả mọi người. Đặc biệt là những y, bác sĩ, y tá nơi tuyến đầu chống dịch, những chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; những sự giúp đỡ từ nhỏ đến lớn tới bà con gặp khó khăn nơi vùng dịch hoặc trong khu cách ly…
Đến ngày hôm nay, lòng nhân ái đó lại được tiếp nối thông qua hình ảnh anh công an vượt mưa rát mặt đến giúp người neo đơn; anh tài xế xe tải chở bà con miễn phí đi qua vùng ngập lụt; những người vượt dặm xa xôi, không quản nguy hiểm đến vùng rốn lũ; những lời kêu gọi từ khắp nơi gom hàng cứu trợ, quần áo, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết gửi đến vùng lũ; những nghệ sĩ, người dân quyên góp ủng hộ; những tấm lòng hảo tâm luôn sục sôi khát vọng giúp đỡ đồng bào,… và nhiều lắm những nghĩa cử cao đẹp, ấm áp tình người trong thời gian qua. Nếu liệt kê ra có lẽ không đếm xuể nhưng toàn bộ nghĩa cử đó đều như một lời khẳng định về sức mạnh của cộng đồng, về sự đoàn kết, rằng lòng nhân ái luôn là điểm tựa giúp người dân Việt Nam vượt qua khó khăn.
Biết rằng thiên tai là điều không thể tránh khỏi và lòng thương xót dành cho các địa phương như Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,... là vô hạn, nhưng mỗi cơn bão dù có dữ dội đến đâu rồi cũng sẽ qua đi. Chúng ta có thể phải chịu đựng những tổn thất nặng nề và bão lũ có thể cuốn trôi tất cả của cải, vật chất nhưng chắc chắn có một thứ mà nó không thể làm cuốn đi, đó là tình nghĩa đồng bào luôn tỏa sáng rực rỡ ở bất kỳ nơi đâu trên dải đất hình chữ S.